Bà Jackie Wolcott
TT (Hà Nội) - Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về không phổ biến vũ khí hạt nhân Jackie Wolcott vừa kết thúc chuyến thăm VN để thảo luận về một biên bản ghi nhớ hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự giữa hai bên.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 20-8, bà Wolcott nói biên bản ghi nhớ về hợp tác trong năng lượng hạt nhân và các lĩnh vực năng lượng khác giữa VN và Mỹ sẽ là văn kiện khung về hợp tác năng lượng giữa hai nước. "Đây không phải văn bản pháp lý mang tính ràng buộc mà chỉ là tuyên bố dự định mang tính chính trị, nhưng sẽ tạo ra cho các công ty cảm giác an toàn để phát triển công việc liên quan đến năng lượng hạt nhân. Chúng tôi cũng cố gắng cho các trường đại học tại Mỹ, VN có thể xây dựng chương trình đào tạo liên kết để đào tạo nhà khoa học hạt nhân. Các trường đại học bang của Mỹ dùng ngân sách của nhà nước sẽ khó xây dựng chương trình đào tạo ở nước ngoài khi văn bản như thế này chưa được ký” - bà Wolcott giải thích.
Bà nói bản ghi nhớ là bước đệm cho việc tiến tới ký kết một hiệp định mang tính pháp lý, thường gọi là hiệp định 123, liên quan đến điều khoản 123 trong đạo luật hạt nhân của nước Mỹ cho phép chuyển giao công nghệ và trang thiết bị liên quan đến năng lượng hạt nhân từ nước Mỹ đến các chính phủ khác. Bà Wolcott nói hi vọng biên bản sẽ được ký trong khoảng thời gian từ nay đến tháng chín, trước khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhóm họp.
Bà Wolcott cũng thảo luận thêm với VN một số công ước mà Mỹ muốn VN tham gia, chủ yếu bàn về quy định, an ninh an toàn hạt nhân. Trong đó có công ước CSC về bồi thường bổ sung, quy định trách nhiệm của các công ty hoạt động về năng lượng hạt nhân. "Nếu VN tham gia công ước sẽ có nhiều lựa chọn hơn về công ty làm việc với VN - bà cũng nhận định - Chúng tôi rất ấn tượng về những bước đi VN đã thực hiện. VN đã làm những điều đúng đắn. Nhưng phải nói đây là một dự án lớn, dài hạn. Ngay cả với nước có điều kiện thích hợp nhất, cơ sở hạ tầng tốt rồi nhưng muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ lập kế hoạch đến khi nhà máy vận hành được cũng phải mất ít nhất mười năm".
Đây không phải văn kiện đầu tiên về hợp tác năng lượng hạt nhân giữa hai nước. Trước đó, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ vào tháng bảy, hai bên đã ký văn kiện về trao đổi thông tin kỹ thuật và hợp tác trong an toàn hạt nhân.
Ở Đông Nam Á, Indonesia và Thái Lan đã có hiệp định 123 với Mỹ về năng lượng hạt nhân. Chỉ có một vài nước như VN, Thái Lan và Indonesia có kế hoạch cụ thể về năng lượng hạt nhân.
TRẦN LỆ THÙY
Sắp bắt đầu vòng đàm phán "WTO+" với Hoa Kỳ
Hiệp định đầu tư song phương VN - Hoa Kỳ sắp bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên. Trong cuộc họp báo ngày 20-8 kỷ niệm một năm nhiệm kỳ đầu tiên, đại sứ Mỹ tại VN Michael Michalak nói Hiệp định đầu tư song phương được coi như "WTO+", cho phép mở cửa lớn hơn với các công ty đầu tư. "Hiệp định đầu tư song phương mang lại bảo vệ pháp lý lớn hơn giữa hai nước, nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư Mỹ vào VN. Tôi chắc chắn hiệp định sẽ giúp thu hút nhiều đầu tư hơn".
"Chúng tôi vẫn chưa quyết định thời gian của vòng đàm phán đầu tiên. Nhưng tôi đoán sẽ vào khoảng tháng chín hoặc mười" - ông Michalak nói.
Ông Michalak nói VN đã nộp đơn xin hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP khoảng hai tháng trước và quá trình nhận bình luận từ công chúng vừa kết thúc. "Chúng tôi nhận được nhiều bình luận ủng hộ nhưng cũng nhiều nhận xét bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn lao động ở VN" - ông nói. Tuy nhiên, ông nói Mỹ có quy trình cấp GSP riêng và "chúng tôi không thể nói với VN nếu đáp ứng yêu cầu này thì sẽ trao ngay GSP".
Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Công thương VN cũng thành lập một nhóm công tác để theo đuổi việc công nhận VN là nền kinh tế thị trường.
Ông Michalak nói quá trình giám sát dệt may sẽ kết thúc khi nhiệm kỳ của chính phủ hiện thời chấm dứt. Hiện có thông tin về dự thảo tiếp tục chương trình này nhưng còn ở giai đoạn sơ thảo.
Ông Michalak cũng cho biết hai container thanh long đã được xuất sang Mỹ, mở cửa thị trường hoa quả nhiệt đới cho VN.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét