Các bạn hãy đọc kỹ , xin đừng bỏ sót , hãy giúp đỡ nếu có khả năng tài chính , còn không hãy đăng lại thông tin này trên blog của mình . Xin cám ơn . Hãy cùng nhau tạo nên một cộng đồng mạng đoàn kết , nhân ái , cùng chia sẻ nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh để họ thấy được cuộc đời này còn rất nhiều điều tốt đẹp và tươi sáng .
TP- Gần 50 năm qua, ông Lê Phúc (sinh năm 1957, thôn An Khánh (xã Thủy Lương, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) không dám nhìn lại khuôn mặt mình bởi trên đó là nỗi đau dai dẳng đã theo ông từ khi lọt lòng.
Cố quên đi nỗi đau trên mặt, ông Phúc cần mẫn mời chào bán từng tờ vé số để kiếm tiền mua thuốc cho vợ, mua gạo cho con
Cậu bé Phúc chào đời với nửa khuôn mặt bên phải đỏ au lồi lên một cách khác thường và các ngón chân vểnh lên phía trên dị dạng. Lên 7 tuổi, Phúc vào học lớp 1 trường làng và bắt đầu nhận ra vẻ khác lạ của mình từ ánh mắt của những người xung quanh.
Khoảng cách giữa cậu và các bạn trong lớp cứ “giãn” ra dần. Lên lớp 5 thì cậu bị đẩy ngồi riêng một bàn ở cuối lớp, những học sinh lạ chỉ cần nhìn thấy cậu là ré toáng lên bỏ chạy.
Từ bỏ trường lớp, Phúc theo ba ra đồng cày thuê cuốc mướn kiếm tiền phụ mẹ đong gạo. Khối u trên mặt cứ lớn dần, tạo thành những mảng thịt sần sùi dị dạng, ba mẹ cậu ứa nước mắt bất lực vì không có tiền chạy chữa cho con.
25 tuổi, chàng thanh niên Lê Phúc cũng có vợ. Vợ anh là một phụ nữ cùng làng, cùng tuổi - chị Trần Thị Bằng. Những đứa con liên tiếp chào đời trong sự nghèo khổ, túng quẫn vì hai vợ chồng chẳng có nghề nghiệp ổn định. Rồi chị Bằng đổ bệnh tim, cuộc sống “cơm áo gạo tiền” đè nặng lên đôi vai người đàn ông trụ cột của gia đình.
“Nhìn cảnh vợ nằm thở dốc nhưng trên tay vẫn phải ôm đứa con đói sữa dỗ dành tui chịu không thấu, giá như có ai mua quả tim tui cũng cắt bán để lấy tiền lo cho vợ con” - Ông Phúc xúc động kể lại. Năm 2000, ông dành dụm được một số tiền đưa vợ vào TP HCM chữa bệnh.
Sau hơn 1 tháng chạy chữa, tiền trong túi đã cạn sạch nhưng căn bệnh suy tim của vợ vẫn chưa khỏi hẳn. Ông ngậm ngùi làm thủ tục xuất viện cho vợ, hai vợ chồng phải nhờ vào sự bố thí của người đi đường mới có tiền mua vé xe đò trở lại quê hương.
Vợ chồng ông có được 3 mặt con nhưng vì hoàn cảnh khốn cùng nên cả hai đứa lớn đều không có một chữ lận lưng, đứa con út học hết lớp 5 cũng phải nghỉ giữa chừng vì không có tiền học tiếp.
Hiện tại, khối u trên mặt ông đã phát triển to che mờ cả mắt phải còn phần môi dưới thì bị kéo xệ xuống trông thật khổ sở. Vậy mà 3 năm nay, ngày nào ông cũng cuốc bộ mấy chục cây số từ nhà lên thành phố Huế để bán vé số dạo.
“Những quán xá đông người họ không cho tui vào bán, sợ khách nhìn thấy mặt tui sẽ bỏ chạy. Lúc đó cũng tủi thân lắm, định bỏ nghề nhưng nghĩ đến vợ con đói khổ ở nhà đành phải lau nước mắt mà bước tiếp” - Giọng ông nghẹn ngào.
Mỗi ngày đi bán vé số ông kiếm lời được khoảng 30.000 đồng, mua thuốc trợ tim cho vợ hết 10.000 đồng, số tiền còn lại phải tằn tiện lắm mới lo nổi cho mấy miệng ăn.
Mọi sự giúp đỡ, sẻ chia của bạn đọc xin gửi về ông Lê Phúc, thôn An Khánh, xã Thủy Lương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế hoặc ban Bạn đọc báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội
( theo tiền phong online )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét