Đến thăm gia đình Thiếu tá Nguyễn Văn Lân, Trợ lý Tác huấn đơn vị 101 (Quân chủng Hải quân) tôi được nghe kể về chặng đường đến với biển đảo của anh. Trong 20 năm tuổi quân thì gần 10 năm anh dành tuổi xuân cho biển đảo.
Sinh ra ở miền quê Kiến An (Hải Phòng), năm 1988 tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 1, Nguyễn Văn Lân được phân công về công tác ở đơn vị 126, Vùng D Hải quân. Trước yêu cầu bảo vệ biển đảo, anh tình nguyện lên tàu ra với Trường Sa thân yêu. Nơi anh đến là đảo Thuyền Chài. Trước mênh mông biển trời, anh nhìn tận mắt, sờ tận tay những gì mà Tổ quốc cần những người như anh quyết tâm bảo vệ. Tuổi trẻ, sức trẻ đã giúp anh vượt qua thời gian và không gian khắc nghiệt. Khi nhìn lại những gì đã làm anh thấy mình thêm yêu biển, yêu đảo và muốn được gắn bó hơn với nó. Thời gian trôi nhanh hơn cả con sóng, anh lần lượt được sống và bảo vệ từ đảo Thuyền Chài đến Tốc Tan rồi Đá Tây... Giữa trùng khơi muôn ngàn gian khó nhưng ở đâu, cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những ngày sống bằng dũng khí của tuổi trẻ đã để lại trong anh biết bao kỷ niệm. Anh kể: “Năm 1992, tôi làm nhiệm vụ ở đảo Đá Tây. Đúng vào ngày mồng 5 Tết, tàu Biển Đông 06 cập đảo xin nước ngọt, nhưng khi vừa ra khỏi đảo đã bị sóng lớn đánh chìm, 4 cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều hy sinh. Tôi cùng đồng đội trên đảo thức trọn 2 ngày đêm để tìm kiếm những người bị nạn nhưng vô vọng...”. Kể đến đây anh lặng đi bùi ngùi. Mãi sau anh mới nói: Sự ra đi thầm lặng của đồng đội đã tiếp thêm cho chúng tôi nguồn sức mạnh, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển đảo.
Hoàn thành nhiệm vụ trên đảo, anh được phân công về công tác ở đơn vị 101, nơi đây đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh. Từ mảnh đất Cam Ranh nắng cát anh đã bén duyên chị Nguyễn Thị Như Huê. Bé Nguyễn Thùy Vân chào đời là kết quả tình yêu của người lính đảo. Bé Vân được 18 tháng, tiếng bi bô gọi “bố” chưa tròn thì một lần nữa anh lại lên tàu theo tiếng gọi của Trường Sa. Đến với biển, đảo lần này anh không còn là một thanh niên vô tư chỉ biết sống với chính mình mà phía sau anh là vợ, là con, là một mái ấm gia đình. Năm bé Vân ba tuổi, anh từ đảo về, hai mẹ con ra đón, bé Vân gặp bố nhưng miệng líu lại chào: “Cháu, cháu… chào bố ạ!”. Nguyễn Văn Lân ôm chặt con vào lòng mà cười ra nước mắt. Có lẽ đó là sự hy sinh lớn của cả gia đình anh cho biển, đảo. Gần 10 năm, dấu chân Nguyễn Văn Lân đã in hằn trên 7 đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa - một con số không phải chiến sĩ Hải quân nào cũng có.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét