Home » » Trẻ em bị “đầu độc” bằng truyện tranh như thế nào?

Trẻ em bị “đầu độc” bằng truyện tranh như thế nào?

Written By 1 on Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2008 | 18:00

Các NXB luôn xem truyện tranh là “cần câu cơm” hữu hiệu nhất vì chắc chắn là số tiền thu được từ việc xuất bản các cuốn sách về khoa học, các cuốn tiểu thuyết... còn lâu mới theo kịp các bộ truyện tranh đang được lứa tuổi thanh thiếu niên ưa chuộng. Chính vì nguồn lợi nhuận đó mà không ít NXB đã bỏ quên trách nhiệm chân chính của mình là mang đến cho lứa tuổi thanh thiếu niên những bộ tranh truyện bổ ích, giàu tính giáo dục và nhân văn.
>> Trẻ em thích đọc truyện "ướt" / Phim hoạt hình sex đang... "sốt"

Tình trạng một số nhà xuất bản (NXB) nhà nước cho phát hành các bộ truyện tranh có nhiều yếu tố gợi dục và phi thẩm mỹ đang khiến dư luận bất bình.

Truyện tranh “giáo” ít, “dục” nhiều!

Hai tập truyện tranh “Chàng trai trong…” (NXB Thanh Hóa cấp phép) có lẽ là bộ truyện gây ra nhiều phản ứng nhất trong dư luận thời gian gần đây vì tính “gợi dục” nhằm vào đối tượng độc giả lứa tuổi mới lớn.

Được cấp phép từ tháng 3/2008, đến thời điểm này, bộ sách trên đã tràn lan trên thị trường, các quầy bán sách nhỏ, các cửa hàng cho thuê sách truyện thiếu nhi đều đã “cập nhật” bộ truyện tranh này vì nó được rất nhiều độc giả nhí hiếu kỳ tìm đọc. Chúng tôi đã tham khảo tại nhiều địa điểm cho thuê truyện nhỏ lẻ và các cửa hàng sách ở các phố sách như Láng, Nguyễn Xí, Đinh Lễ đều thấy sự xuất hiện của loại sách này...

Không khó để tôi tìm được 2 tập “Chàng trai trong…” trong một cửa hàng sách cũ trên đường Láng. Tuy sách vẫn đề là NXB Thanh Hóa nhưng dễ dàng nhận thấy đây không còn là sách nguyên bản của NXB này mà là sách in sao lậu. Chủ cửa hàng cho biết: Một tuần nay, cửa hàng đã bán được hơn 50 bộ, chủ yếu là sách in lậu.

Chúng tôi xin tóm tắt nội dung cuốn truyện này để các bậc phụ huynh có thể khách quan xem xét. Nhân vật chính trong truyện là Luki - nữ sinh 16 tuổi luôn tự giới thiệu mình “rất thích các anh chàng đẹp trai”. Mẹ của cô bé được xây dựng là một người đàn bà 34 tuổi nhưng... đã 9 lần ly hôn. Câu chuyện phát triển theo một hướng oái oăm là bà mẹ thấy con mình đã 16 tuổi nhưng chưa có bạn trai nên bà cho một số nam thanh niên vào ở trong nhà mình. Cả cuốn truyện cứ xoay quanh chuyện Luki gặp gỡ một bạn trai với những tình huống như người lớn và cả chuyện quan hệ yêu đương mùi mẫn với những hành động có lẽ chỉ có ở người lớn.

Những "chủ nhân tương lai của đất nước" đang "phải" đọc những bộ truyện tranh như thế này.

Ngoài hai tập truyện tranh này, chúng tôi còn thấy có nhiều cuốn khác như “Tình…” (NXB Đà Nẵng), “Crazy…” (NXB Thanh Hóa)... cũng đan cài các yếu tố phản cảm và ít tính giáo dục với lứa tuổi học đường.

Bên cạnh một số bộ truyện tranh được hợp thức hóa, công khai bởi giấy phép của các NXB, còn có một bộ phận truyện tranh kích dục trôi nổi khác mà đáng kể nhất phải là truyện được scan  và đưa lên mạng Internet. Các truyện tranh này núp dưới vỏ bọc các câu chuyện giáo dục giới tính, các câu chuyện tâm lý lứa tuổi...

Nhiều bậc phụ huynh đang bị chính con em của họ qua mặt bằng phương tiện duy nhất là Internet. Tôi đã từng “choáng” khi một học sinh lớp 6, mắt đeo kính cận dày cộp tuyên bố ráo hoảnh: “Giờ mà đọc truyện cổ tích với lại Đôrêmon thì bọn con gái trong lớp chúng nó cười cho. Có truyện nào “hot” là bọn lớp cháu gửi link cho nhau, tha hồ mà đọc”. Lý do cậu bé giải thích cho việc ưa chuộng truyện tranh về giới tính trên mạng là: vừa lạ mắt, vừa được xem hình lại không bị bố mẹ phát hiện.

Nổi bật nhất phải kể đến thể loại truyện tranh gợi dục Hentai. Các bộ truyện này nội dung chỉ xoay quanh chuyện quan hệ tình dục, mặc dù mới xuất hiện nhưng Hentai đã trở nên rất phổ biến và ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bị cuốn vào vòng xoáy của Hentai.

Chúng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là trên mạng Internet.

Thể loại truyện tranh Hentai thường được núp bóng dưới dạng bộ môn nghệ thuật, truyện giáo dục giới tính. Trong các bộ truyện dành cho thanh thiếu niên, vấn đề tình dục thường được đề cập ngay trong bối cảnh học đường. Có thể gọi đó là “truyện tranh con heo” với nội dung và từ ngữ, hình vẽ thô thiển. Thậm chí còn hướng dẫn một cách kỹ lưỡng những chuyện giường chiếu mà người lớn đọc cũng “sốc” chứ đừng nói đến tuổi mới lớn.

Hầu hết các nhân vật ở trong các bộ truyện tranh “bẩn” đó là những nhân vật rất quen thuộc được trẻ nhỏ yêu thích: Các nàng công chúa, chàng hoàng tử trong các bộ truyện tranh nổi tiếng... Điều đó càng nâng cao khả năng tiêm nhiễm của các loại văn hóa phẩm này vào tâm hồn các thanh thiếu niên trẻ tuổi.

Đừng mải “câu cơm” mà bỏ quên trách nhiệm!

Thực trạng truyện tranh phản cảm, gợi dục đang tấn công lứa tuổi thanh thiếu niên là việc không phải bàn cãi. Tuy vậy, chuyện một vài NXB lại để “lọt lưới”, vô tình hợp thức hóa các thể loại sách “đen” này đến với lứa tuổi mới lớn cũng là điều không thể chấp nhận được. Phải chăng vì yếu tố lợi nhuận mà nhiều NXB đã bỏ quên nhiệm vụ chân chính của mình?

Chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong một vài năm trở lại đây, ít có bộ truyện tranh nào được ấn hành công khai lại tạo ra sức hút thực sự với các độc giả “nhí” như các bộ truyện cách đây khoảng chục năm: “Đôrêmon”, “Bảy viên ngọc rồng”, “Thần đồng Đất Việt”, “Tây Du Ký”... Nhu cầu chân chính bị “bỏ đói”, các độc giả tuổi mới lớn thông qua môi trường Internet đang dần tiếp cận với các loại truyện ngoài luồng, truyện du nhập và các loại truyện tranh “chui”, trôi nổi...

Các NXB luôn xem truyện tranh là “cần câu cơm” hữu hiệu nhất vì chắc chắn là số tiền thu được từ việc xuất bản các cuốn sách về khoa học, các cuốn tiểu thuyết... còn lâu mới theo kịp các bộ truyện tranh đang được lứa tuổi thanh thiếu niên ưa chuộng. Chính vì nguồn lợi nhuận đó mà không ít NXB đã bỏ quên trách nhiệm chân chính của mình là mang đến cho lứa tuổi thanh thiếu niên những bộ tranh truyện bổ ích, giàu tính giáo dục và nhân văn.

Sau khi công luận nhiều lần lên tiếng về hiện tượng này, nhiều NXB đã có một số động thái như thu hồi, cải chính, hứa kiểm duyệt tốt hơn... nhưng theo chúng tôi đó chỉ là hình thức và khó kéo dài được lâu. Điều quan trọng nhất chính là chế tài xử lý các vi phạm và cách thức quản lý hệ thống xuất bản của các cơ quan quản lý cấp nhà nước.

Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Kiểm cho rằng: không có chuyện các cơ quan quản lý nhà nước làm ngơ để một số NXB lợi dụng đưa các ấn phẩm truyện tranh phản giáo dục. Mọi sai phạm đều sẽ được xử lý đúng như luật định và Cục Xuất bản sẽ xem xét việc nên hay không cho phép một số NXB được ấn hành truyện tranh như hiện nay.

Có một vấn đề đang làm đau đầu các cơ quan quản lý là công tác lưu chiểu đang quá tải trầm trọng. Các NXB trước khi phát hành các ấn phẩm ra thị trường đều nộp lưu chiểu về Cục Xuất bản. Mỗi ngày, Cục Xuất bản nhận không dưới 50 bộ truyện tranh nộp lưu chiểu nhưng nhân viên biên chế đọc lưu chiểu truyện tranh chỉ có vỏn vẹn... 1 người. Đây có thể xem là một sự quá tải ngoài sức tưởng tượng.

Ngày 22/9/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi bộ phận Thanh tra, Cục Xuất bản, các NXB, các công ty phát hành sách về việc xử lý vi phạm trong xuất bản một số bộ truyện tranh nước ngoài có nội dung không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính đối với các xuất bản phẩm không nộp lưu chiểu mà đã phát hành “Chàng trai trong...”, “Ichigo…”, “Hội học…”, “Girl Comics - lần đầu…”, “Crazy…”, “Good kiss…” của NXB Thanh Hóa; “Lilim…”, “Mặt trời…” của NXB Văn hóa - Thông tin. 2 xuất bản phẩm khác của NXB Thanh Hóa bị đình chỉ là: “Video Girl…” 3 tập, “Change 123…” 3 tập.

* Tên các truyện tranh đã được chúng tôi sửa để không kích thích tính tò mò của các độc giả nhỏ tuổi
( thao báo công an nhân dân  )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét