Home » » Những trò lừa và tin đồn xáo động người dùng Yahoo tại VN

Những trò lừa và tin đồn xáo động người dùng Yahoo tại VN

Written By 1 on Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008 | 02:42

 

Nếu không chuyển nhà sang 360plus thì sẽ không giữ được nội dung blog bên Yahoo 360, mỗi tin nhắn qua Yahoo Messenger là người dùng đã đóng góp 200 đồng cứu em bé bị bệnh hay tình trạng cướp nick lừa tiền đang làm điên đầu cư dân mạng.


>Những e-mail lừa đảo gây xôn xao cộng đồng mạng

 

Cách đây khoảng 2 tuần, mạng xã hội dành cho người Việt 360plus đưa ra thông báo: "360plus hỗ trợ cho các bạn một giải pháp để chuyển nội dung blog từ 360° sang. Bạn vẫn có thể tiếp tục viết blog trên 360plus cả khi 360° tạm ngưng phục vụ. Nhưng vui lòng lưu ý rằng bạn sẽ không thể chuyển dữ liệu từ 360° sang 360plus sau khi 360° đã ngưng phục vụ".

 

Suy đoán rằng nhóm phát triển 360plus đang "úp mở" về chuyện Yahoo 360 sắp đóng cửa và lo sợ công sức mình đầu tư cho blog thời gian qua sẽ tiêu tan, nhiều người vội vã rủ nhau dọn sang 360plus dù vừa chuyển vừa... kêu ca. "Quen dùng Yahoo 360 rồi nên thấy 360plus lạ lẫm quá, lại nhiều tính năng rắc rối nữa, nhưng sợ mất nội dung lắm nên cũng đành thôi", blogger Thỏ trắng giải thích.

 

Dù than thở về 360plus nhưng... vẫn chuyển. Ảnh chụp màn hình.

 

Dù than thở về 360plus nhưng... vẫn chuyển. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên, đại diện của Yahoo Việt Nam khẳng định đây chỉ là tin đồn thất thiệt: "Yahoo 360 là sản phẩm do nhóm chuyên gia bên Mỹ phát triển, không liên quan đến 360plus dành riêng cho cộng đồng blogger trong nước. Theo kế hoạch, cuối năm nay, người dùng 360 sẽ được chuyển sang hệ thống toàn cầu Yahoo Profile mới và vẫn bảo toàn được mọi bài viết cũng như danh sách bạn bè cũ". Hơn nữa, trước khi dừng dịch vụ 360, Yahoo sẽ có thông báo chính thức đến các thành viên (tương tự như người sử dụng Yahoo Mash được thông tin trước 1 tháng).

 

Yahoo tài trợ qua tin nhắn

 

Những thông điệp tương tự thế này đã xuất hiện từ cuối những năm 90 nhưng số người mắc bẫy không vì thế mà giảm đi: "Xin chào, tôi là Anh Việt. Thời gian vừa rồi bác sĩ phát hiện con tôi bị ung thư não. Vợ chồng tôi ko có đủ tiền để trả viện phí. Chúng tôi đã thiết tha nhờ tới Yahoo và họ đã đồng ý trợ giúp 200 đồng cho mỗi tin nhắn được gửi đi. Vì vậy, hãy giúp đỡ chúng tôi bằng cách gửi đến những người mà bạn biết".

 

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

 

Nhiều người đã động lòng trước những nội dung vô bổ trên và tốn thời gian spam bạn bè có trong danh sách chat, nhất là khi nhận được thông điệp đe dọa rằng nếu không thực hiện theo hướng dẫn, họ hoặc người thân sẽ gặp rủi ro.

 

Không chỉ ở Việt Nam, người dùng trên thế giới cũng bị làm phiền vì những trò lừa tương tự, chẳng hạn: "Tập đoàn Microsoft muốn đảm bảo Internet Explorer vẫn là trình duyệt thống trị, do đó họ sẽ trả tiền cho mỗi e-mail bạn forward cho người khác"...

 

Cướp nick chat để trục lợi

 

Một tuần nay, lớp báo in thuộc K24, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) xôn xao vì chuyện bốn thành viên bị lừa lấy mật khẩu truy cập tài khoản Yahoo. "Bắt đầu từ một bạn bị mất password không rõ nguyên nhân, kẻ lừa đảo đã dùng nick đó chat với các bạn khác trong lớp, nói dối rằng hòm thư của mình bị lỗi nên muốn mượn tài khoản một lát để gửi ảnh gấp", một thành viên của lớp này kể lại. "Những người khác còn bị hắn nhờ nạp tiền vào điện thoại hộ với lý do đang cần gọi điện nhưng lại hết tiền. Rất may, lớp em đã kịp thông báo cho nhau nên chưa ai bị mắc lừa".

 

Ảnh chụp trên diễn đàn Handheldvn.

Ảnh chụp trên diễn đàn HHVN.

Đa số nạn nhân mất mật khẩu đều bị lừa theo một chiêu: một nick quen thuộc (của bạn bè, người thân) vào chat và mượn hòm thư vài phút để gửi e-mail quan trọng nên thường tin tưởng đưa ngay password.

 

Mất hòm thư Yahoo Mail đồng nghĩa với việc người sử dụng không thể đăng nhập vào Yahoo Messenger, Yahoo 360, Flickr và những tài khoản Yahoo khác. Nạn nhân không chỉ cảm thấy tiếc vì bị tước một phương tiện liên lạc đã gắn bó với họ từ lâu mà còn canh cánh nỗi lo kẻ xấu sẽ dùng tài khoản đó để làm những chuyện tồi tệ: đăng ảnh đồi trụy và tung tin xấu trên chính blog của nạn nhân, chat với bạn bè của họ bằng ngôn ngữ tục tĩu hoặc nhờ nạp tiền vào tài khoản với lời hứa sẽ trả ngay hôm sau...

 

Cư dân mạng hiện chỉ biết nhắc nhở nhau cẩn thận trước những lời đề nghị đáng ngờ và cách hiệu quả nhất là thử gọi điện trực tiếp để kiểm tra.

 

( http://vnexpress.net )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét