Home » » Ý đồ gì ở biển Đông?

Ý đồ gì ở biển Đông?

Written By 1 on Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010 | 23:45

 

Mới đây, Trung Quốc (TQ) đã thông qua “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020”, xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam quản lý, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, TQ có kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở.

Về việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, những việc làm đó của TQ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại  nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà TQ đã cùng với các nước ASEAN ký kết năm 2002. Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam phân tích, đây là một trong loạt chuỗi hoạt động của TQ nhằm thực hiện mục tiêu “hợp thức hóa chủ quyền” với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng. Để khẳng định về vị trí của mình trên thế giới, TQ đã đặt Biển Đông vào loại “lợi ích quốc gia cốt lõi” trong việc đòi “chủ quyền” lãnh thổ không nhượng bộ - tương tự như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Một số nhà phân tích của TQ gọi Biển Đông là “vịnh Ba Tư của châu Á”, vì tiềm năng dầu hỏa của nó. Các hành động của TQ gần đây trên Biển Đông cho thấy việc không tôn trọng Thỏa thuận DOC mà họ đã ký với các nước ASEAN hồi năm 2002 đã làm cho tình hình khu vực gia tăng sức nóng.

Vì sao TQ lại làm điều này? Một quan chức hàng đầu của Hải quân TQ, Đề đốc Trương Hoa Trần, từng nói với báo The Straits Times: “Do việc mở rộng quyền lợi kinh tế đất nước, Hải quân muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến đường giao thông vận tải của đất nước và sự an toàn trên các tuyến đường biển chính”. Còn tướng về hưu Xu Guangyu thì nói với báo South China Morning Post rằng: “Chúng tôi đã im lặng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong quá khứ bởi vì hải quân của chúng tôi không có khả năng bảo vệ các khu kinh tế, nhưng bây giờ hải quân đã có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình”. Các cuộc diễn tập, tuần tra tại Biển Đông ngày càng quy mô hơn cùng với việc xây dựng các căn cứ hải quân, tàu ngầm tại đảo Hải Nam, cũng như kế hoạch phát triển các tàu sân bay... là bằng chứng thực tế cho những phát ngôn nói trên từ phía TQ. Cùng với các hoạt động quân sự đó, Trung Quốc  đã phê chuẩn thành lập các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam để “quản lý” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; hàng năm công bố lệnh cấm đánh bắt cá; cử các tàu ngư chính tuần tiễu trên  Biển Đông để bảo vệ “ngư trường của TQ”; bắt giữ và ép buộc các tàu cá Việt Nam phải nộp phạt... TQ đang muốn củng cố cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo nhiều nhà nghiên cứu đó là điểm yếu nhất của TQ.

Đảo Hải Nam hiện đang là một điểm du lịch quốc tế rất nổi tiếng của TQ. Mặc dù hiện tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa có những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch và chưa kể đến việc đây là khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền, cực kỳ nhạy cảm, hoàn toàn không thích hợp để khai thác du lịch, song Trung Quốc vẫn đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào khai thác du lịch. Thậm chí, TQ có thể bù lỗ toàn bộ cho các hoạt động du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Nếu các hoạt động này có kết quả, họ sẽ có nhiều lợi thế, đặc biệt là việc tranh thủ hợp pháp hóa tạo thuận lợi sau này khi phải giải quyết tranh chấp ở cơ quan tài phán quốc tế. Về mặt dư luận, TQ cũng sẽ tranh thủ để vận động, tuyên truyền chủ quyền của họ ra quốc tế. Chúng ta vừa có bài học về vụ bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ ghi nhận tên gọi của TQ với hai quần đảo này. Cũng không loại trừ khả năng thông qua xây dựng du lịch, phát triển kinh tế để đầu tư về quân sự. Trong cuộc Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á – Thái Bình Dương gần đây, nhiều quốc gia tham dự đã kịch liệt phản đối các hành động hoặc việc sử dụng vũ lực nhằm gây ảnh hưởng tới tự do hàng hải quốc tế mà Biển Đông đang là một điểm đáng quan ngại bởi các hoạt động quân sự dồn dập của TQ.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã liên tục phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam do phía TQ thực hiện. Từ trước tới nay lập trường không thay đổi của Việt Nam là chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, tinh thần DOC năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực. Trong khi kiên trì giải quyết các vấn đề phát sinh giữa các quốc gia một cách hòa bình, Việt Nam rất trân trọng và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Diễn đàn khu vực châu Á (ARF) tổ chức tại Việt Nam trong tuần tới là một trong những diễn đàn đa phương về an ninh quan trọng nhất trong khu vực sẽ thu hút sự quan tâm của quốc tế và nhiều lãnh đạo quốc gia trên thế giới tham dự. Đây là một trong những sự kiện tạo cơ hội cho quốc tế thấy rõ sự chính đáng trong việc ủng hộ Việt Nam về vấn đề Biền Đông.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống sống hòa bình, hữu nghị với các nước, nhất là các nước láng giềng cũng như truyền thống yêu nước, đoàn kết chống ngoại xâm được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua và những truyền thống đó sẽ không bao giờ lụi tàn trong dòng máu mỗi người dân Việt Nam. Ngày nay, trong bối cảnh lịch sử mới, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mình.

Nguồn http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1417&chitiet=14795&Style=1

0 nhận xét:

Đăng nhận xét