Home » » Nếu không cương quyết, Trung Quốc sẽ leo thang

Nếu không cương quyết, Trung Quốc sẽ leo thang

Written By 1 on Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011 | 19:01

Nguồn http://tuoitre.vn

TT - Chúng ta có thể khẳng định vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc đến cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thậm chí xét về khoảng cách so với đường cơ sở theo Công ước Luật biển 1982 thì còn dưới 200 hải lý.

Tàu hải quân Việt Nam (phải) truy đuổi hai tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép thềm lục địa phía Nam ngày 27-6-2009 - Ảnh: Lê Đức Dục

Nhà giàn DK1 và tàu hải quân Việt Nam là chỗ dựa của ngư dân hoạt động ở thềm lục địa phía Nam - Ảnh: Bùi Thanh

Ảnh: V.Dũng

"Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế đất nước"

Bà NGUYỄN PHƯƠNG NGA
(người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Theo Luật biển 1982, quần đảo Trường Sa là quần đảo của quốc gia ven biển; vị trí mà tàu Bình Minh hoạt động không liên quan đến bất cứ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia nào khác.

Lập luận của Trung Quốc dựa trên yêu sách của họ về đường lưỡi bò. Cho đến nay không có bất cứ nhà nghiên cứu, nhà khoa học nào, kể cả của Trung Quốc, chỉ ra được cơ sở của đường biên giới này.

Việc cắt cáp tàu Bình Minh 02 là hành động hết sức nguy hiểm của Trung Quốc. Họ đã dùng tàu thuyền tuần tra, bắt bớ ngư dân, cấm đánh cá... và bây giờ tiến tới ngăn cản, phá hoại hoạt động bình thường của các nước trong khu vực.

Theo thông lệ quốc tế, Việt Nam có thể gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc về việc này để có giá trị lưu chiểu và đưa vụ việc này ra trọng tài Luật biển quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời cần có hành động để bảo vệ chủ quyền như kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn... như Malaysia và Philippines đã hành động.

Nếu chúng ta không đấu tranh cương quyết, sẽ làm cho hành động của Trung Quốc tiếp tục leo thang. Việt Nam muốn giải quyết mọi tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, nhưng điều đó không có nghĩa là không có bất cứ hành động nào để bảo vệ chủ quyền trước các hành vi xâm lấn chủ quyền.

H.GIANG ghi

__________

Bám biển giữ ngư trường

Ngư dân miền Trung vừa trở về trong những chuyến đi biển đều cho biết thời gian gần đây xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.

Cá ngừ đại dương về bến cá P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - Ảnh: Duy Thanh

Dù vậy, ngư dân thuyền trưởng Lê Xuân Dũng (Đà Nẵng) vẫn khẳng định: “Biển của mình thì mình phải ra đó để đánh bắt. Mình chùn tay, tức là bỏ biển cho tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm”.

Tàu cá Trung Quốc rất hung hãn

Trưa 29-5, vừa cập cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sau chuyến ra khơi dài ngày, ngư dân Võ Thành Vương kể: “Bây giờ hễ ra cách đất liền khoảng 60-70 hải lý là gặp vô số tàu cá Trung Quốc. Dù đang xâm phạm vùng biển Việt Nam nhưng họ rất hung hăng. Họ đi thành đoàn, một đoàn độ 30 chiếc, dàn hàng ngang và vô tư đánh bắt. Nhiều lúc mình không để ý đi vào vùng họ đang đánh cá là có thể xảy ra đụng độ. Tàu họ công suất lớn sẵn sàng lao đến húc tàu mình”.

Theo lão ngư dân Huỳnh Minh - chủ hai con tàu vừa cập cảng Thọ Quang ngày 28-5, thời gian qua tại vùng biển ông thường đánh bắt mấy chục năm nay, cách đảo Cồn Cỏ chừng 30 hải lý, có rất nhiều tàu cá, có khi có cả tàu sắt của Trung Quốc.

Trong hai ngày 28 và 29-5, nhiều tàu câu cá ngừ của ngư dân Phú Yên vẫn liên tục về các bến cá ở TP Tuy Hòa sau cả tháng lênh đênh ngoài khơi xa. Thuyền trưởng Nguyễn Đình Nhã (ở P.6, TP Tuy Hòa) cho biết: “Từ sau tết đến giờ, tàu hành nghề mành chụp mực của ngư dân Trung Quốc xuất hiện rất dày ở vùng biển khoảng 150 vĩ Bắc, 1160 kinh Đông, thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Cứ cách 6-7 hải lý lại thấy một tàu của ngư dân Trung Quốc. Mỗi đoàn của họ có khoảng 8-10 chiếc tàu, mỗi chiếc to gấp ba, bốn lần tàu mình. Tối đến họ chong dàn đèn sáng khủng khiếp, ánh sáng mỗi tàu lan đến 10-15 hải lý, bắt sạch mực trong một vùng rộng lớn. Đáng ngại nhất là sự hung hãn của các ngư dân Trung Quốc. Có lần tàu tôi chạy gần tàu của họ, mấy chục người trên tàu Trung Quốc liền tràn ra boong, la lối om sòm rồi lấy dao ra dấu hiệu đòi cắt cổ”.

Ngư dân Nguyễn Xuân Canh (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) cũng từng chứng kiến rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam. “Chúng tôi đi đánh bắt gặp tàu Trung Quốc nhiều lắm. Tàu chúng tôi thường gặp họ ở tọa độ từ 70 vĩ Bắc - 111o kinh Đông. Nhiều nhất là khu vực các nhà giàn ở quần đảo Trường Sa”.

Như khẳng định những điều phản ảnh của ngư dân, thiếu tá Lê Mỹ Sơn - đồn trưởng đồn biên phòng 328 Lý Sơn - nói: “Trung Quốc nhiều lần tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển đông bắc Lý Sơn; tiến hành các hoạt động huấn luyện quân sự, diễn tập tình huống phối hợp bao vây, khống chế mục tiêu trên biển nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và phô trương sức mạnh quân sự. Trung Quốc còn hỗ trợ cho hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tiến hành xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam để đánh bắt hải sản”.

Theo nhật ký công tác của đồn 328, số vụ các tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải chủ quyền của Việt Nam ngày càng tăng, quy mô lớn và táo tợn hơn.

Chiều 29-5, ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi từng phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Quảng Ngãi. “Khi phát hiện tàu cá Trung Quốc xâm phạm, việc đầu tiên là các lực lượng chức năng đẩy đuổi tàu ra khỏi hải phận. Tàu nào lì lợm chúng tôi dùng biện pháp mạnh hơn là lập biên bản xử lý” - ông Nhi nói.

Theo ông Dương Đề Dũng - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng TP Đà Nẵng, tàu cá Trung Quốc cũng thường xuyên xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nhất là từ sau tết đến nay. Khi phát hiện tàu cá Trung Quốc, bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cũng chủ yếu là đẩy đuổi.

Ra khơi cùng tổ đoàn kết

Theo thuyền trưởng Lê Văn Chiến (Đà Nẵng), dù khó khăn nhưng ngư dân miền Trung vẫn khát vọng ra khơi, cùng nhau liên kết để chống sự chèn ép của tàu Trung Quốc bằng tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển. Mỗi tổ có 4-8 tàu cùng loại hình đánh bắt, cùng ngư trường và cùng một địa bàn sinh sống. Nhờ đó, các tàu tự tin ra khơi xa, mạnh dạn đến với các ngư trường. “Ra khơi bây giờ nếu không có tổ đoàn kết thì không đi được” - thuyền trưởng Lê Văn Chiến khẳng định.

Ông Hồ Phó, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, nhận định: “Mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản tạo thành sức mạnh trên biển. Riêng Đà Nẵng đã thành lập được gần 100 tổ đánh bắt hải sản với hàng trăm tàu, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ”.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Việt (ở P.Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), trước tình hình bị tàu chụp mực Trung Quốc hoặc tàu hải quân nước ngoài đe dọa, ngư dân Phú Yên đã hợp nhau lại thành tổ tàu thuyền an toàn, mỗi tổ năm chiếc, đánh bắt ở các tọa độ gần nhau, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Khoảng tám ngày trước, năm thuyền trong tổ của anh Việt đã đuổi được hai tàu chụp mực Trung Quốc ra khỏi vị trí đánh bắt. “Phải liên kết lại để giữ biển, giữ nghề” - anh Việt nhấn mạnh.

Tương tự, ở Quảng Ngãi cũng có những tổ tàu đoàn kết. Theo phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa Nguyễn Tấn Chuồng, ngư dân xã Nghĩa An tự nguyện tham gia thành lập 60 tổ tự quản tàu thuyền trên biển, mỗi tổ từ 10-12 tàu đánh cá theo nhóm nghề. Các tổ tự quản này đã giúp nhau rất nhiều trong tất cả hoạt động trên biển, kể cả việc đối phó với sự xâm phạm lãnh hải của tàu Trung Quốc.

Nhóm PV - CTV MIỀN TRUNG

Một cuộc nói chuyện qua máy Icom

Tối 29-5, như thường lệ, ông Nguyễn Thanh Nam (xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mở máy Icom liên lạc với các phương tiện đang đánh bắt trên biển.

- Alô! Đài trực canh thôn Gành Cả đây. Alô! Alô...

Khoảng năm phút trôi qua với âm thanh hỗn tạp từ máy bộ đàm, một giọng nam cất lên:

- Lê đây - Võ Đức Lê, tàu QNg 8598 đây.

- Tình hình khai thác hổm rày thế nào? - ông Nam hỏi.

- Tàu Trung Quốc làm căng lắm. Tràn vào vùng biển Hoàng Sa cả đoàn mấy chục chiếc. Đụng độ miết. Không dám đánh bắt ban ngày, đêm khuya mới bắt đầu. Cứ 3g sáng là phải rút khỏi vùng đánh bắt vì chúng tuần dữ lắm. Mới hôm kia, đụng độ tàu tuần tra rượt mình chạy, họ còn định bơm nước vào tàu để đánh đắm tàu mình. Mình chạy thoát.

- Có sợ không?

- Tất cả anh em trên tàu đều đã đụng độ nhiều lần nên coi chuyện này là chuyện thường...

- Mới sáng qua, tụi tui chạy băng qua một đảo gần đảo Hoàng Sa. Từ trong đảo, một chiếc tàu chiến lao ra, cuộn sóng ầm ầm như muốn nhấn chìm tàu của tui” - anh Trương Quang Trị, tàu QNg 95839, chen ngang lời ông Lê.

- Chạy thoát không?

- Tụi tui hạ ga cho dễ lách và thoát luôn - lại một giọng khác chen ngang.

- Ai đấy? - ông Nam hỏi

- Tiêu Viết Thường đây.

- Nghe đây Thường ơi, tình hình thế nào? Đánh bắt tốt không?

- Khan lắm. Bị vây hãm, rượt đuổi miết.

- Có đụng tàu Trung Quốc không? 

- Có. Ba lần rồi.

T.GIANG - H.ANH ghi

__________

Tàu Bình Minh 02 tiếp tục làm việc bình thường

Chiều 29-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Bá Cường - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điều hành và khai thác dầu khí trong nước (PVEP POC) thuộc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - cho biết: “Dù tàu của Trung Quốc đã có những hành động táo tợn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, xâm phạm tài sản của ngành dầu khí nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta. Sắp tới PVEP POC sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ để bảo đảm an toàn, an ninh cho công trình của dầu khí Việt Nam”.

Ông Đỗ Bá Cường - Ảnh: Đông Hà

"Dù tàu Trung Quốc đã có những hành động táo tợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển chủ quyền"

Theo lộ trình, sau khi khảo sát địa chấn tại vùng biển miền Trung, tàu Bình Minh 02 tiếp tục khảo sát địa chấn cho PVEP POC tại một số vùng biển khác thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Hùng Dũng - tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) - cho biết tổng thiệt hại trong vụ cáp địa chấn tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt đứt ngày 26-5 gần 100.000 USD (bao gồm cả chi phí sửa chữa, mua sắm, phải dừng làm việc để sửa chữa...). Theo ông Dũng, trước đây khi tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam, Trung Quốc cũng từng đưa tàu đến quấy rối, cản trở nhỏ nhưng chưa bao giờ tàu Trung Quốc lại xông vào đội hình của tàu dịch vụ dầu khí, dùng thiết bị chuyên dụng để phá hoại tài sản như hôm 26-5.

Chiều cùng ngày, một lãnh đạo của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (thuộc PTSC, đơn vị sở hữu tàu Bình Minh 02) cho biết sau khi bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp địa chấn, tất cả bộ phận trên tàu Bình Minh 02 cũng như các tàu bảo vệ đã làm việc bằng tinh thần và trách nhiệm cao, chỉ mất hơn 12 giờ đã khắc phục xong sự cố, đưa tàu Bình Minh 02 vào làm việc bình thường. Tính đến 16g ngày 29-5, kể từ sau khi khắc phục sự cố, tàu Bình Minh 02 đã khảo sát địa chấn thêm được hơn 180km chiều dài đường biển.

ĐÔNG HÀ

__________

Giữ vững chủ quyền

Ngày 29-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo về sự việc ba tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).

Tại cuộc họp báo này, bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định lại quan điểm của Việt Nam: “Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay mọi hành động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.”

Cũng tại buổi họp báo, ông Đỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc PetroVietnam, cho biết việc tàu Trung Quốc cắt cáp là có chủ ý và có sự chuẩn bị sẵn. “Khu vực tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc chạy vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp cảnh báo” - ông Hậu nói. Đại diện của Bộ Ngoại giao, PetroVietnam sau đó đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên trong nước và quốc tế.

* Khi xảy ra vụ việc, tàu của hai bên có tiếp xúc trực tiếp với nhau không?

- Ông Đỗ Văn Hậu: Trong khi tàu Trung Quốc tiến vào gần và cắt cáp thì mọi yêu cầu và cố gắng liên lạc từ phía tàu Bình Minh 02 với tàu Trung Quốc đều không được phía Trung Quốc trả lời. Sau khi cắt cáp, tàu Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định tàu Việt Nam đang vi phạm lãnh hải của Trung Quốc và yêu cầu tàu Việt Nam rời khỏi khu vực. Những người trên tàu (Bình Minh 02) còn nghe rõ đó là giọng phụ nữ.

* Xin cho biết thiệt hại của PetroVietnam từ sự cố này? Những vụ việc như vậy có thường xuyên xảy ra không?

- Ông Đỗ Văn Hậu: Tàu Trung Quốc làm hỏng hệ thống thiết bị, thiết bị thu tín hiệu của tàu địa chấn Bình Minh 02. Thiệt hại quan trọng hơn cả là chúng tôi đã phải dừng hai ngày để sửa chữa thiết bị, và còn phải dành nhiều thời gian nữa để sửa chữa thiết bị bị hỏng. Chúng tôi đang đánh giá mức độ thiệt hại và sẽ có báo cáo chi tiết. Trong hoạt động dầu khí của chúng tôi trải dài trên thềm lục địa từ phía bắc vịnh Bắc bộ đến mũi Cà Mau, rất nhiều lần Trung Quốc gây hấn bằng cách cho tàu cản trở, quấy nhiễu và có trường hợp họ cắt cáp. Tất cả các trường hợp này đều được cơ quan chính quyền Việt Nam đưa ra những phản đối mạnh mẽ nhất.

*  Ngày 28-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho rằng Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, làm tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc. Vậy phản ứng của Việt Nam về tuyên bố này của Trung Quốc ra sao?

- Bà Nguyễn Phương Nga: Tôi nhấn mạnh rằng Việt Nam bác bỏ luận điệu này của người phát ngôn Trung Quốc. Cần phải làm rõ một số điểm như sau: Trước hết, khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa 200 hải lý theo Công ước Luật biển quốc tế năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý.

Phía Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Thứ hai, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung là Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không làm phức tạp thêm tình hình. Nhưng không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước. Điểm thứ ba là Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình nhưng chính Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình.

* Có phải sự việc này cho thấy thái độ sô-vanh nước lớn của Trung Quốc hay không?

- Bà Nguyễn Phương Nga: Trong khi lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần khẳng định Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dù lớn mạnh cũng không xưng bá, chúng tôi mong rằng Trung Quốc là một nước lớn sẽ thể hiện vai trò, trách nhiệm của một nước lớn và thực hiện đúng tinh thần của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

* Không chỉ với Việt Nam, gần đây Trung Quốc còn gia tăng các vụ va chạm với Philippines trên biển. Liệu đây có phải là các hoạt động nhằm biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc với yêu sách đường chín điểm không?

- Ông Nguyễn Duy Chiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia): Rõ ràng là đường yêu sách chín điểm, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra là không có cơ sở, trái với Công ước Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam và bị nhiều nước phản đối. Việc Trung Quốc tìm cách để thực hiện đường yêu sách chín điểm thực tế là đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

* Hải quân Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ các tàu của Việt Nam?

- Bà Nguyễn Phương Nga: Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

HƯƠNG GIANG ghi

__________

Trung Quốc với mưu đồ khai thác dầu khí ở biển Đông

Những gây hấn gần đây nhất của Trung Quốc với Philippines và Việt Nam có thể cho thấy mưu đồ của nước này với nguồn tài nguyên ở dưới lòng biển Đông.

Lộ diện mưu đồ

Tối 28-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã chính thức lên tiếng phản đối việc thăm dò dầu khí của Việt Nam trên biển Đông. Bà Khương Du ngang nhiên cho rằng vùng biển này thuộc chủ quyền của Trung Quốc. "Quan điểm của Trung Quốc về biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, làm hại tới lợi ích và quyền kiểm soát của Trung Quốc trên biển Đông” -  bà Khương nói.

Năm 2011, Công ty Khai thác dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã chính thức công bố trên trang web của tập đoàn này lộ trình khai thác 19 lô dầu khí trên khu vực rộng hơn 52.000km2 ở biển Đông, trong đó có 12 lô ở khu vực đông biển Đông và 7 lô ở khu vực phía tây biển Đông. CNOOC đã đưa ra đề xuất sẽ cùng hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới ở các vỉa dầu này. Năm 2010, CNOOC từng đưa ra đề nghị tương tự với 13 lô dầu khai thác cũng ở biển Đông.

Để thực hiện tham vọng bá chủ nguồn tài nguyên ở biển Đông, ngày 23-5-2011, CNOOC đã tiếp nhận giàn khoan CNOOC 981, một giàn khoan khổng lồ đã được xưởng đóng tàu của Thượng Hải bàn giao để đưa vào phục vụ khai thác dầu khí trên biển Đông. Nhân Dân Nhật Báo cho biết giàn khoan CNOOC 981 có kích thước bằng một sân bóng đá với số tiền đầu tư lên đến 6 tỉ nhân dân tệ (923 triệu USD) và có khả năng khai thác ở độ sâu 3.000m dưới biển, công suất lớn gấp sáu lần các giàn khoan hiện có của Trung Quốc.

Ông Vương Nghi Lâm, chủ tịch CNOOC, cho biết giàn khoan trên sẽ được lắp đặt ở biển Đông và đưa vào vận hành vào tháng 7-2011. Nhân Dân Nhật Báo cho rằng biển Đông là một trong những vùng sản xuất dầu và khí đốt quan trọng nhất của CNOOC.

Kế hoạch khai thác dầu ở biển Đông đã được Trung Quốc hoạch định từ rất lâu, đến năm 2011, như tuyên bố của nước này, đây là năm sẽ đẩy mạnh mọi hoạt động khai thác dầu của họ trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.

Biển Đông - vịnh Ba Tư thứ hai

Trung Quốc từng ví biển Đông là một vịnh Ba Tư thứ hai. Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng đây là nơi chứa đựng 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ m3 khí, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí mà Trung Quốc có.

Đó chính là lý do mà Trung Quốc phải tìm kiếm và khai thác tài nguyên ở biển Đông để thỏa mãn cơn khát năng lượng của chính họ, Thời Báo Hoàn Cầu số ngày 19-4 cho biết. Để hỗ trợ cho tham vọng này, Trung Quốc không ngừng tăng cường hoạt động hải quân trên khắp biển Đông, tăng cường nhiều trang thiết bị, vũ khí và tập huấn nhân sự để bảo vệ các công ty năng lượng Trung Quốc hoạt động.

Ông Michael Richardson, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng tham vọng trong chính sách năng lượng của Bắc Kinh có thể làm phức tạp hơn mối quan hệ của nước này với các nước Đông Nam Á cũng như với Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

MỸ LOAN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét