Home » » Vai trò của ASEAN và lợi ích chung của khu vực

Vai trò của ASEAN và lợi ích chung của khu vực

Written By 1 on Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011 | 08:24

Nguồn http://sgtt.vn

 

SGTT.VN - Trong bối cảnh dư luận trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt đến diễn tiến tranh chấp ở biển Đông, sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu khai thác của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hôm 26.5, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Nguyên Long, cựu nghiên cứu viên cao cấp của viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Trung Quốc sẽ gia tăng căng thẳng ở biển Đông là điều chắc chắn. Có thể nói Trung Quốc đang tiến hành “cuộc chiến gậm nhấm từng phần” ở biển Đông.

Thưa ông, việc tàu Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu khai thác của PVN tuần qua đã làm dấy lên nghi vấn về sự căng thẳng trên biển Đông. Ông có bình luận gì?

Chúng ta đều thấy rõ ràng, dầu lửa, là vấn đề khiến Trung Quốc đang “tiến sâu” vào biển Đông ngày càng gay gắt và quyết liệt.

“Cơn khát” dầu này càng gia tăng khi Trung Quốc còn bị thất bại ở Trung Cận Đông và Bắc Phi. Làm sao Trung Quốc vào lại được khu vực này khi lao động bị về nước hết do có chiến tranh. Giờ đây Mỹ và châu Âu có ảnh hưởng ngày càng lớn ở Bắc Phi và đang chú tâm về bên đó.

Vì vậy, thời gian tới đây Trung Quốc sẽ gia tăng căng thẳng ở biển Đông là điều chắc chắn. Có thể nói Trung Quốc đang tiến hành “cuộc chiến gậm nhấm từng phần” ở biển Đông.

Không chỉ riêng với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc dần dần sẽ “gặm” phần thuộc các nước ASEAN khác như Indonesia, Philippines, Malaysia, Brunei….

Vấn đề biển Đông là việc chung của ASEAN, ông đánh giá vai trò của hiệp hội trong việc giải quyết những xung đột tại khu vực này?

Mới tháng 4 vừa qua, tôi đã có làm việc với một số nhà nghiên cứu nước ngoài, và đáng chú ý là họ đặt câu hỏi: Liệu ASEAN có làm đối trọng được với Trung Quốc và Mỹ ở biển Đông hay không? Nói thế để thấy vai trò của Hiệp hội đang được nhiều bên chú ý. Theo tôi, ASEAN thể hiện vai trò của mình như thế nào với các thế lực ngoại khối phụ thuộc rất lớn vào nội tại của khối này.

Trước hết, từ nay đến năm 2015, ASEAN có hình thành được 3 cộng đồng (Chính trị, Kinh tế và Văn hóa) như Hiến chương đề ra? Liên minh EU vững mạnh như thế, được coi là tiêu biểu của sự liên kết chặt chẽ với Nghị viện và đồng tiền chung euro, thế nhưng gần đây còn có rắc rối trước các biến động phức tạp, và chưa tìm ra đươc lợi ích chung của mỗi nước.

Và tôi nói thẳng thắn là, lợi ích dân tộc ở ASEAN lớn hơn lợi ích khu vực. Các nước gia nhập ASEAN đều mong muốn tìm kiếm lợi ích của mình, và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Vậy biểu hiện “lợi ích dân tộc” của các nước ASEAN ở biển Đông là gì, thưa ông?

Là việc nước nào cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền của mình ở Trường Sa, cùng với Trung Quốc, các nước đang gây nên sự tranh cãi chưa biết đi đến đâu.

Tôi cho rằng, các nước cần phải biết kiềm chế chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của mình, phải tìm được tiếng nói chung trong chính nội bộ ASEAN, phải có hợp tác trong ASEAN trước khi bàn đến giải quyết với Trung Quốc.

Cần lưu ý là, các nước ASEAN còn có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo… nên Trung Quốc thực hiện chính sách chia để trị. Và Trung Quốc sẽ luôn thực hiện điều đó, tư tưởng chia để trị đã ăn sâu vào tư tưởng người dân Trung Quốc rồi, đôi khi ảnh hưởng đến cả chính quyền nước này.

Trong việc chặn đứng sự gậm nhấm của Trung Quốc thì lực lượng nhân dân rất quan trọng, phải tiến hành chiến tranh nhân dân trên biển. Ảnh: tuần tra bảo vệ đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Giang Huy

Trong vấn đề biển Đông, Việt Nam được nhìn nhận là có can dự lớn hơn các nước ASEAN. Theo ông Việt Nam cần phải làm gì?

Đúng là ngoài tranh chấp ở Trường Sa, Việt Nam còn vấn đề Hoàng Sa. Hơn nữa, Việt Nam là nước ở sát cạnh Trung Quốc, vẫn duy trì quan hệ đối ngoại bình thường nên cần phải hết sức thận trọng và khôn ngoan. Cái gì có thể né tránh được thì né tránh. Nhưng nếu bên kia vi phạm quyết liệt thì mình cũng phải kiên quyết đấu tranh.

Đặc biệt, trước những gây hấn của Trung Quốc gần đây, cả với tàu cá của ngư dân, Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ để dư luận khu vực và quốc tế biết đến. Chúng ta cần phải cảnh báo các nước ASEAN về thực tế Trung Quốc đang gậm dần Trường Sa. Từ đó đưa ra các giải pháp chặn đứng các cuộc gậm nhấm từng phần ấy.

Việt Nam phải đẩy mạnh tính chất quốc tế của vấn đề, có thể đề xuất ASEAN đưa ra một cuộc họp riêng biệt về biển Đông, không liên quan tới các cuộc cấp cao ASEAN nào, bàn về tuyên bố DOC giữa ASEAN và Trung Quốc, về COC…

Mới đây người phát ngôn bộ Ngoại giao khẳng định hải quân Việt Nam sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Ông nhận định gì?

Tôi muốn nói đến khía cạnh khác. Bây giờ Việt Nam mới đưa ra vấn đề dân quân tự vệ là muộn. Tôi cho rằng Việt Nam chậm trễ trong việc lập các đội bảo vệ ngư dân trên biển.

Việt Nam cần lập các đội thương thuyền, với hàng chục chiếc, có kiểm ngư, cảnh sát biển đi kèm. Bởi trong việc chặn đứng sự gậm nhấm của Trung Quốc thì lực lượng nhân dân rất quan trọng, phải tiến hành chiến tranh nhân dân trên biển.

Xin cảm ơn ông!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét