Home » » "Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ"

"Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ"

Written By 1 on Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010 | 15:51

Nhân đọc những phát biểu của ngài Đại sứ Trung Quốc tại cuộc họp báo vừa rồi bỗng thấy bật ra câu nói trên của Lão Tử, người Trung Quốc vốn đã vùi sâu trong ký ức.

Đã có một thời người ta tụng ca một câu khác, câu "đấu tranh với người khác là niềm vui vô hạn". Chính câu nói mang tính "nguyên lý" ấy đã đem đến tai họa khủng khiếp cho nhân dân Trung Quốc: 20 triệu người chết, 100 triệu người bị đấu tố trong cuộc "đại cách mạng văn hóa", và trước đó, trong cuộc "đại tiến vọt" đã có 37,55 triệu người chết*, cho nên khi nêu lên "kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung - Việt", ngài Đại sứ Trung Quốc rút ra bài học "Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại" thì quả thật là chí lý.

Ông Tôn Quốc Tường - Đại sứ Trung Quốc

Chắc ngài Đại sứ ngoài cái nghĩa "đấu tranh" nói trên còn muốn hàm nghĩa khái niệm "đấu tranh" với chuyện đấu đá nội bộ ở những cuộc tranh bá đồ vương đẫm máu diễn ra triền miên trong lịch sử Trung Quốc, hoặc là những cuộc xua quân đi xâm lược nước người rồi phải thất bại rút quân, thậm chí phải chui vào ống đồng sai quân khiêng chạy. Với nghĩa đó thì quả thật "đấu tranh" sẽ chỉ đem lại thất bại.

Vì rằng, trong bối cảnh của một thế giới mới, cho dù có cả "một vạn lý trường thành dưới mặt đất" để giấu vũ khí hạt nhân, thì Trung Quốc, theo xu thế chung của thời đại, muốn hiện diện trước con mắt của nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân các nước Đông Nam Á như một nước yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và đáng tin cậy.

Thế nhưng, nếu "đấu tranh" chống lại sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, để bảo vệ sự làm ăn của ngư dân trên vùng lãnh hải của mình, thì không thể thất bại được.

Trong cuộc đấu tranh đó thì đấu tranh trên mặt trận ngoại giao là cực kỳ quan trọng. Ở đây lại phải nhớ lời răn của Khổng Tử "Bất nghịch trá, bất ức tín, ức diệt tiên giác giả, thị hiền hồ" (Không tiên liệu rằng người ta gạt mình, đừng ức đoán rằng người ta không tin mình, biết được ngay như vậy là [người] hiền đấy) {Luận Ngữ - Thiên Hiến Vấn}. Và Khổng Tử lại cũng nhắc nhở học trò của mình rằng "Cứ chính trực mà báo oán, và lấy đức mà báo đức". Nguyên văn câu ấy cũng trong thiên Hiến Vấn vừa dẫn, như sau: "Hoặc viết: "Dĩ đức báo oán hà như? Tử viết: "Hà dĩ báo đức? Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức" (Có người hỏi: "Lấy đức mà báo oán, nên không? Khổng Tử đáp: "Thế thì lấy gì báo đức? Cứ chính trực mà báo oán, và lấy đức mà báo đức).

Chính vì thế, nhân dân Việt Nam thật ấm lòng với câu nói đầy tình nghĩa của ngài Đại sứ: "Là láng giềng, là đồng chí, anh em, hai nước có 100 lý do để hợp tác và không có một lý do nào làm hỏng quan hệ Trung - Việt". Cũng chính vì điều ấy, nhân dân Việt Nam sẵn lòng đặt sang một bên những sự kiện của quá khứ đau buồn về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Chính vì "có 100 lý do để hợp tác và không có một lý do nào làm hỏng quan hệ Trung - Việt" cho nên nhân dân Việt Nam, một dân tộc đã từng trải qua đêm đen khủng khiếp của nghìn năm Bắc thuộc, để rồi trong suốt một nghìn năm tiếp theo phải thường trực đương đầu với âm mưu bành trướng của các triều đại phong kiến từng thống trị nhân dân Trung Quốc, quyết tâm giữ gìn mối quan hệ Việt -Trung tốt đẹp, để được sống trong hòa bình mà xây dựng đất nước.

Nhân dân Việt Nam luôn ghi trong lòng mình sự giúp đỡ vô cùng to lớn và quý báu của nhân dân Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam và cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày nay, trong sự nghiệp hội nhập để phát triển, Việt Nam, một nước không lớn, ở cạnh một nước láng giềng khổng lồ, nếu giữ được mối tình hữu nghị "núi liền núi, sông liền sông" thì đó là một lợi thế mà nhân dân Việt Nam hiểu rất rõ. Vì thế, chắc chắn là Việt Nam không vì bất cứ một lý do chủ quan nào mà không ra sức vun đắp cho tình hữu nghị quý báu đó.

Ảnh: VNN
Và đúng như ngài Đại sứ nói: "trong gia đình dù là vợ chồng cũng có khi cãi nhau", chỉ đáng tiếc là, có những việc không thể coi là chuyện vợ chồng cãi nhau, ví như: theo thống kê của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, phía Trung Quốc đã bắt giữ 17 tàu cá với khoảng 210 ngư dân huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn trong lúc hành nghề và trú bão trên vùng biển Hoàng Sa.

Trước áp lực của công luận, họ phải thả 13 tàu cá cùng 210 ngư dân về Quảng Ngãi nhưng vẫn còn 4 tàu cùng nhiều trang thiết bị, ngư cụ, thủy sản bị tạm giữ ở Hoàng Sa, ước tổng giá trị gần 8 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi có 6 tàu cá bị tàu Ngư Chính của Trung Quốc bắt giữ để rồi đòi tiền chuộc trên 1 tỷ đồng!

Có thể hành động đòi tiền chuộc này chỉ là những hành động "vô kỷ luật" khiến có thể phá hỏng "đại cục", chứ một nước lớn như Trung Quốc thì đâu thèm số tiền cỏn con như bọn cướp biển Somali mà Chính phủ Trung Quốc đang gửi chiến hạm viễn dương đến để phối hợp trừng trị.

Có lẽ chuyện này cần phân tích theo hướng mà giáo sư Ramses Amer (Thụy Điển): tất cả những động thái trên Biển Đông, bao gồm việc bắt bớ, đánh đập, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam bằng những "tàu lạ" với những động thái rất quen gần đây của Trung Quốc, đều gắn với việc Việt Nam đăng kí thềm lục địa mở rộng lên LHQ khiến Trung Quốc bất ngờ. Vì vậy theo GS Ramses, bản chất của vấn đề ngư dân là câu chuyện chủ quyền, vấn đề chính trị, ngoại giao.

Về bản chất, những vấn đề trên đều nằm trong một công thức tổng hợp mà suốt 20 năm qua, Trung Quốc thường xuyên vận dụng để thực hiện tham vọng của mình: hướng vào việc thiết lập chủ quyền của họ đối với biển Đông trên thực tế (de facto), mặc dù về mặt pháp lý (de jure) điều này không biện hộ được.

Cho nên, đúng như ngài Đại sứ đã nói: "Làm thế nào giải quyết vấn đề đó cũng nêu ra thách thức to lớn đối với ý chí và thiện chí, trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề này". Đúng là một thách thức to lớn về thiện chí. Nhưng đối chiếu với lời nhắc nhở của Đức Khổng Tử vừa dẫn ra ở trên "Hoặc viết: "Dĩ đức báo oán hà như? Tử viết: "Hà dĩ báo đức? (Có người hỏi : "Lấy đức mà báo oán, nên không? Khổng Tử đáp: "Thế thì lấy gì báo đức?) e phải được trao đổi lại với ngài Đại sứ.

Là một nước lớn với tham vọng vươn lên siêu cường, ngân sách dành cho quốc phòng cao ngất ngưởng chỉ sau Mỹ, lại cứ một mặt ra sức thực hiện cái công thức tổng hợp ấy mà lại cho rằng đó chỉ là chuyện "cãi nhau trong gia đình", rồi nhẹ nhàng mà rằng "Đây là vấn đề giữa anh em chúng ta" thì nghe sao đặng!

Ngài Đại sứ lại khuyên: "Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta. Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước thì điều cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề".

Chao ôi, Mạnh Tử đã dặn học trò : "cái gì mình không thể nói rõ ràng thì đừng tìm ở lòng mình; cái gì không nhận thấy trong lòng mình thì đừng cầu ở khí lực mình [Mạnh Tử. Chương "Công tôn Sửu thượng"] Vậy thì, "nếu điều kiện chưa chín muồi...thì điều cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề".

Gác đến bao giờ khi mà thi thoảng lại rộ lên chuyện ngư dân Việt Nam bị đánh đuổi, bị đe doạ, bị bắt giữ?

Và gác đến bao giờ khi Trung Quốc ngang nhiên tổ chức các hoạt động du lịch tại đảo Hoàng Sa, Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam nói với các nhà báo hôm thứ Tư vừa rồi: "Chúng tôi sẽ phát triển du lịch, kinh tế và xã hội trên vùng đất và đại dương thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tôi không nghĩ phát triển kinh tế tại đảo Hải Nam sẽ ảnh hưởng đến nước khác". Trung Quốc nói năm 2010 sẽ là năm mở màn xây dựng Đảo du lịch quốc tế của Hải Nam và đừng quên rằng, họ đã đặt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới quyền hành chính của đảo Hải Nam. Liệu đây có phải là thực hiện lời nói tốt đẹp của ngài Đại sứ: "xuất phát từ đại cục, cầu đồng, tồn dị"?

Đặt những hành động vào trong "đại cục" thì không thể gọi hành động ấy là "cầu đồng, tồn dị" được.

Ở đây, có lẽ cần ôn lại lời răn của Lão Tử: "Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều [đi chiếm nước người], cho nên biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn thấy đủ" [Lão Tử. "Đạo đức kinh". Thiên hạ, mục 46]. Phải trên tinh thần đó mới có thể nói được như ngài Đại sứ: "xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước", mới nói được "cầu đồng, tồn dị".

Và vì vậy, đúng như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố: điều đó "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, chỉ gây thêm căng thẳng và làm cho tình hình phức tạp thêm".

Quên hẳn đi, để chỉ nhớ lời ngài Đại sứ: "hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì không có vấn đề nào không thể giải quyết được", chỉ xin thêm vào câu của ngài Đại sứ lời của một người cộng sản Tiệp Khắc, nhà báo anh hùng Fuxích: "Hỡi loài người, hãy cảnh giác"!

-----------------------------------------------------

*theo Tân Tử Lăng - "Mao Trạch Đông nghìn năm công tội"

nguồn tuanvietnamnet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét