Home » » Gói kích thích càng lớn, nỗi lo càng tăng

Gói kích thích càng lớn, nỗi lo càng tăng

Written By 1 on Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010 | 06:13

Hơn 3 tháng sau khi gói kích thích 17.000 tỉ đồng cho vay bù lãi suất được triển khai, vẫn chưa có những thống kê đầy đủ để đánh giá hiệu quả.

Đây chính là yếu tố gây ra sự quan ngại, được thể hiện ngay trong phiên thảo luận ở tổ tại Quốc hội. Giá trị của các gói kích thích càng to, nỗi lo càng lớn. Gói kích thích ở Việt Nam có đủ lớn?

Theo Giáo sư đoạt giải Nobel Kinh tế 2008 Paul Krugman, hầu hết các gói kích thích của các quốc gia trên thế giới nhằm vực dậy nền kinh tế đều chưa đủ lớn. Quy mô của các gói phần lớn chỉ dừng lại ở mức 2,5% GDP. Chính vì thế, nhiều chính phủ đã phải đưa ra gói kích thích thứ hai.

Tại VN, sau gói 17.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD), tới tháng ba, Chính phủ lại đưa ra tiếp gói kích thích thứ hai với trị giá lên đến 8 tỉ USD (tương đương 145.000 tỉ đồng). Theo TS Nguyễn Đức Kiên - ĐB Quốc hội tỉnh Sóc Trăng - trị giá của gói thứ hai tương đương với 10% GDP quốc gia.

Nếu xét theo tiêu chí GS Krugman đưa ra, là các gói kích thích chí ít phải bằng từ 4%-5% GDP thì mới đủ mạnh kích cầu, thì cả hai gói kích thích của VN đã đủ lớn về quy mô (giá trị) và kích cỡ (lĩnh vực chi phối: Từ kích cầu đầu tư, sản xuất sang lĩnh vực tiêu dùng). Nếu xét theo tỉ lệ so với GDP, các gói kích thích của VN thuộc hàng cao so với nhiều nước trên thế giới. Và nó lại càng "lớn" hơn so với hiện trạng nền kinh tế: Kinh tế Việt Nam mới suy giảm chứ chưa suy thoái như các quốc gia Mỹ và Châu Âu, Nhật Bản.

Cùng một nỗi lo

Chuyến đến Việt Nam diễn thuyết của GS Krugman - ngay trong cuộc họp báo ngày 21.5, ông đã cho rằng: "Các giải pháp kích cầu, ngoài gói kích thích kinh tế, các quốc gia như VN còn có thể sử dụng các giải pháp về tài chính, tài khoá, can thiệp vào thị trường tài chính để giảm bớt tác động xấu của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu".

Trong thông điệp này, GS Krugman khuyến cáo: "Chính phủ Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính và các định chế tài chính để kịp ngăn chặn các rủi ro về tài chính trong quá trình triển khai gói kích thích, cho vay ưu đãi...".

Sau thông điệp này, ngày 22.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; kiểm soát cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng; cấm nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Đây là một phản ứng nhanh. Tuy nhiên, để theo sát tình hình và nhằm kịp thời phát hiện các hành vi xé rào nhằm thu lợi nhanh trong việc cho vay ưu đãi lãi suất - theo nhiều chuyên gia, cần phải có các cuộc kiểm tra.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, trị giá các gói kích thích bằng 10% GDP được đưa vào nền kinh tế trong một thời gian không quá dài dễ tạo ra lạm phát. Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước. Cho đến tháng năm, chỉ số CPI dù chỉ tăng 0,44%, nhưng tính chung cả 5 tháng đầu năm 2009, CPI đã tăng hơn so với năm 2008 đến 11,59%.

Tuy nhiên, đến Việt Nam diễn thuyết lần đầu, GS Krugman cho rằng điều đáng lo ngại là giảm phát chứ không phải là lạm phát. Độ chênh trong sự nhìn nhận này cũng cần được xem xét, đánh giá để tìm ra cách ứng phó phù hợp với tình hình.

Thế nhưng, điểm chung của hai phía nhận định khác nhau này lại là vấn đề đáng lo nhất hiện nay: Cơ chế, chương trình giám sát, kiểm tra ra sao để biết các gói kích thích có được triển khai một cách hiệu quả hay không? Nếu triển khai kém hiệu quả, tình trạng lãng phí, thất thoát sẽ xảy ra, đồng thời tạo ra tác nhân thúc đẩy lạm phát mạnh hơn. Vấn đề này đến nay vẫn đang là một khoảng trống chưa có câu trả lời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét