Home » » Một người Việt kể chuyện lạ châu Phi

Một người Việt kể chuyện lạ châu Phi

Written By 1 on Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008 | 16:19

 

Diệp Chí Huy trên đường tìm hiểu những vùng đất châu Phi - Ảnh nhân vật cung cấp

Kỳ 1: Giang hồ và lừa đảo mạng

Châu Phi từng cuốn hút chúng tôi với những phát hiện khoa học lý thú về nguồn gốc loài người. Gần đây, qua các kỳ World Cup, châu Phi lại nổi lên với những đội bóng đá dũng mãnh, mê hoặc người xem như Cameroon, Ghana, Nigeria. Riêng với một số doanh nghiệp Việt Nam, đây là thị trường mới rợi và dễ tính. Nhạc sĩ Diệp Chí Huy (TP.HCM) vì mê miền đất lạ, đã có mặt tại Tây Phi mấy năm nay. Loạt bài này được ghi từ lời kể của anh...

Ngày đầu, bay từ TP.HCM đến Bangkok (Thái Lan), đợi đến rạng sáng ngày thứ nhì, bay tiếp Dubai (AUE). Transit đến 13 giờ trưa hôm sau, tức ngày thứ ba, nối chuyến đi Accra (Ghana), theo taxi đến trạm Tudu, sát biên giới. Trải qua 3 tiếng làm thủ tục, tôi (Diệp Chí Huy) mới thực sự đặt chân lên đất Togo, háo hức về nơi trụ sở kinh doanh của mình tại thủ đô Lomé. Ở đó, công ty tôi chuyên kinh doanh hàng may mặc từ chợ Soái Kình Lâm, An Đông gửi sang, bán sỉ. Đã 4 năm, tôi vẫn nhớ như in chuyến đi đầu tiên dài nhất trong đời từ châu Á đến châu Phi, lục địa đen mang mang điệp khúc: "Hết ngày dài lại đêm thâu/Chúng ta đi trên đất Phi châu". Tính đi tính lại, thực bay 18 tiếng nhưng để đi từ Việt Nam đến Togo mất tổng cộng 3 ngày 2 đêm! Hồi mới qua, tôi bỏ cả tháng lang thang 5 nước Tây Phi, gồm Nigeria, Togo, Ghana, Benin, Burkina Faso. Một phần đi cho biết, phần khác, chọn quốc gia đặt cơ sở làm ăn. Cuối cùng tôi chọn Togo do có nhiều ưu đãi thuế quan và tương đối an ninh, khí hậu ven biển mát mẻ dù nó ở trên đường xích đạo, cách Việt Nam đúng 7 múi giờ.

Diệp Chí Huy đi nhiều đến nỗi mỗi năm phải thay 2 - 3 cuốn hộ chiếu (Ảnh: Đ.N.K)

Vừa bước vô cửa khẩu Nigeria, thấy nhân viên hải quan hay an ninh gì đó ngồi một hàng dài. Hỏi ra mới biết, muốn thủ tục cho nhanh, cũng phải "biết điều". Nếu không, bị kêu vô phòng riêng, hỏi tới hỏi lui, thậm chí còn phải quay về. Tôi bị kêu vô như vậy. Đang đôi co bằng tiếng Anh, một ông sếp bước vào, hỏi chuyện gì, người nhân viên bị sếp mắng cho một trận, đuổi ra ngoài. Khi biết tôi là người Việt, tay sếp reo lên: "Việt Nam đánh Mỹ". Thế rồi, sếp tận tình hướng dẫn, kêu taxi, ghi lại số xe, trả giá, viết một tờ giấy và nói: "Mày lái xe đưa bạn Việt Nam của tao đi. Nếu băng nhóm nào hỏi cứ chìa tờ giấy này ra, nói là của Controller, tư lệnh vùng". Trên xe, tôi ngồi băng sau. Bụi đường mù mịt. Tôi đi Lagot, thủ đô cũ của Nigeria tìm một người Thái có Bangkok Restaurant ở Victoria Land, do bạn tôi giới thiệu khi còn ở Việt Nam. Xe cứ chạy một đoạn phải dừng, vì hết trạm của cảnh sát lại đến trạm của các băng nhóm giang hồ. Các tay anh chị cứ cầm maniven hình răng cưa đặt dưới bánh xe, đòi tiền. Thế nhưng, tờ giấy của tư lệnh vùng như có "phép thần". Cứ nhìn vào là họ khoát tay cho đi. Lo âu, mệt mỏi... cuối cùng đi từ sáng đến tối mịt, xe cũng tới Lagot.

Lagot hiện đại. Rất nhiều cầu vượt. Xa lộ lượn vòng như lọn mì ống. Nhưng kẹt xe kinh khủng. Ở chơi tại Victoria Restaurant, tôi đã gặp một King bản xứ, tương tự già làng ở vùng cao Việt Nam. Ông này khuyên tôi, nếu đến Nigeria nên đi đường không, an toàn hơn đường bộ. Tôi cũng từng bay như vậy và rút ra kết luận: Máy bay bên Tây Phi nhiều như xe bus. Nhưng bay từ Togo đến Benin, không sao, còn bay từ Togo đến Nigeria, kinh hoàng không thua đường bộ. Tuy vậy, do thích khám phá, một ngày tôi đã vượt biên giới đến thăm King bằng đường bộ, qua cửa khẩu Same.

Theo Diệp Chí Huy, tại Nigeria, mỗi năm có không dưới 10 vụ cướp nhà băng. Đây cũng là địa điểm đỏ của tình trạng lừa đảo qua mạng, trong đó có nạn nhân người Việt. Loại lừa đảo này thường chung kịch bản e-mail: "Có một khoản thừa kế nhưng không rút ra được, nếu bạn đồng ý hãy xác nhận là người thân của Mr.A, hãy đưa các thông tin cá nhân chi tiết, sẽ được thụ hưởng". Mờ mờ ảo ảo nhưng danh sách nạn nhân ngày càng dài ra. Từng có người Việt ở Mỹ bị lừa cả triệu USD. Có người tiếc của, qua tận Nigeria kiện cáo, được chúng bố trí ăn nghỉ khách sạn 5 sao, cuối cùng bị thủ tiêu, không tìm ra dấu vết. Diệp Chí Huy cũng cho biết từng có doanh nghiệp Việt Nam trước khi qua Tây Phi làm ăn đã bị lừa ngay từ trong nước do tìm kiếm đối tác làm ăn trên mạng mà không kiểm tra kỹ.

(Còn tiếp)

( theo thanhnien online )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét