Home » » Đu đủ & thai nghén

Đu đủ & thai nghén

Written By 1 on Thứ Hai, 25 tháng 8, 2008 | 01:58

 

Bất kỳ một người phụ nữ nông dân Việt Nam nào đến tuổi lấy chồng cũng đều được thế hệ đi trước dặn dò là đừng ăn đu đủ xanh (non). Bài viết này nhằm tổng quan những kiến thức y học hiện đại về vấn đề trên, và xem xét niềm tin trong dân gian về mối liên hệ của đu đủ đến thai nghén là có cơ sở khoa học hay không.

Sinh học quả đu đủ

Đu đủ là một loại trái cây nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước Nam Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á. Nói đến cây và trái đu đủ thì mọi người Việt Nam ai cũng hình dung được. Trái đu đủ gắn liền với đời sống người dân Việt Nam từ thuở ấu thơ, trái chín để ăn, trái xanh để làm gỏi đu đủ, nấu canh; trẻ con dùng cọng (cuống lá) đu đủ làm súng đồ chơi, tán lá đu đủ làm dù che.

Về mặt dinh dưỡng đu đủ là loại trái cây có đủ chất sắt (Fe) và calcium, khá giàu vitamin A, B, G và rất giàu vitamin C. Tuy là một loại trái cây có giá trị dinh dưỡng, nhưng theo kinh nghiệm dân gian đu đủ được xếp vào nhóm thức ăn tự nhiên “không lành” với sản phụ.

Tác dụng của đu đủ

Ở Trung Mỹ, trong dân gian, người ta sử dụng đu đủ để điều trị bệnh lỵ amip (Entamoeba histolytica), một loại ký sinh trùng gây tiêu chảy dạng lỵ và biến chứng áp xe gan. Ở Samoa, người dân dùng phần dưới vỏ thân cây đu đủ để chữa chứng nhức răng. Nhựa đu đủ có chứa papain là một trong hai loại men tiêu hủy protein (proteolytic enzym) có tác dụng làm mềm thịt bắp. Chính tác dụng này mà người ta dùng đu đủ hầm chung với thịt, thịt sẽ mềm hơn. Người dân vùng Caribê, Trung Mỹ bảo rằng họ có thể ăn một khẩu phần với một số lượng lớn thịt cá mà vẫn không hề gì nếu ăn đu đủ xanh sau đó. Phần cơm của đu đủ là thành phần chính của các loại mỹ phẩm như kem nền (mặt), kem đánh răng, dầu gội đầu.

Các ứng dụng quan trọng trong y học của nhựa đu đủ là chiết xuất papain để dùng trong phẫu thuật cột sống (là một loại “dao phẫu thuật tự nhiên” để mở đĩa đệm). Nghiên cứu còn cho thấy chiết xuất papain còn có hoạt tính kháng sinh (antibiotic activity) có tác dụng chống vi khuẩn gram dương (gram-positive bacteria). Nó còn được dùng để điều trị lở loét, làm tiêu giả mạc trong bệnh bạch hầu, chống kết dính sau phẫu thuật, thuốc giúp tiêu hóa. Trong công nghiệp papain được dùng để tinh chế bia, xử lý len và lụa trước khi nhuộm, là phụ gia trong công nghệ chế biến cao su; khi tinh chế dầu gan cá tuna, người ta tiêm papain vào gan trước khi chiết xuất, làm cho thành phẩm giàu vitamin A và D hơn. Khoảng 1.500 trái đu đủ xanh cỡ vừa cho được khoảng 650 gram papain.

Tác hại được cho là nguy hiểm nhất của đu đủ, mà hầu như kinh nghiệm truyền thống của nhiều nước đã đúc kết, đó là mối liên quan giữa đu đủ xanh với sinh sản và thai nghén.

Đã từ lâu đời người Ấn Độ đã sử dụng đu đủ xanh (non) cũng như hạt đu đủ để tránh thai, không những ở phụ nữ mà còn ở cả nam giới. Hàng hàng thế hệ phụ nữ châu Phi, Á, và Mỹ đã sử dụng đu đủ như một loại thuốc tránh thai, trong ngày quan hệ tình dục người phụ nữ thường ăn đu đủ vì cho rằng nó có thể ngừa đậu thai.

Ở Ấn Độ có khá nhiều các nghiên cứu về thái độ và thực hành (attitude and behaviour) ăn uống trong thai nghén, khi phỏng vấn các đối tượng, đu đủ là thành phần được nhắc đến nhiều nhất. Một nghiên cứu tiến hành phỏng vấn trên 1.106 phụ nữ có thai và cho con bú ở 44 làng vào những năm 70, 72% cho biết họ tin rằng đu đủ là thức ăn “nóng”, có hại cho thai nghén. Các nghiên cứu khác tương tự trên số đông phụ nữ (từ 500 đến 1.200), khi phỏng vấn họ cho rằng đu đủ có tác động gây sẩy thai, và trong một nghiên cứu cho thấy 35% số người mẹ tránh không ăn đu đủ trong kỳ thai nghén. Ở Ấn Độ, muốn gây sẩy thai, người ta cho ăn đu đủ non hoặc dùng rễ cây đu đủ nghiền nát, thêm ít muối và cho uống.

Bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa đu đủ với sinh sản và thai nghén

Đứng về mặt bằng chứng khoa học, loại bằng chứng trực tiếp không thể thực hiện được đối với loại các chất nghi ngờ là có hại cho con người, do đó chỉ có thể nghiên cứu được những bằng chứng gián tiếp. Những bằng chứng gián tiếp này có thể là in vitro (nghiên cứu phòng thí nghiệm) hoặc in vivo (nghiên cứu trên sinh vật, cụ thể ở đây là động vật thực nghiệm). Nếu các kết quả ủng hộ giả thuyết thì chúng ta có thể suy luận chất nghi ngờ đó có thể có tác động lên cơ thể con người. Cũng có thể tìm mối tương quan này trên con người bằng nghiên cứu quan sát (observation), định hướng (prospective) hoặc hồi cứu (retrospective), loại nghiên cứu có đối chứng (case-control).

Trong những năm qua có hàng trăm bài báo khoa học viết về tác dụng y học của cây đu đủ trên nhiều mặt được ấn hành, trong số đó có nhiều bài liên quan đến tác động của đu đủ lên sinh sản và thai nghén. Những nghiên cứu này hầu hết là những nghiên cứu tiến hành trên động vật thực nghiệm và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các kết quả được tóm tắt như sau:

Tác dụng tránh thai của trái đu đủ:

Một điều ngạc nhiên là trái đu đủ có thể có tác dụng phòng tránh thai không chỉ trên phụ nữ mà còn cả trên nam giới.

Năm 1993, một nhóm khoa học gia Anh Quốc thuộc Viện đại học Sussex tìm thấy papain có tác dụng làm ngăn cản quá trình thụ thai ở phụ nữ. Qua kết quả nghiên cứu họ đưa ra hai thuyết về tác dụng ngừa thai của trái đu đủ: chất papain trong đu đủ có tác dụng ức chế hormon (nội tiết tố) progesteron và làm ngăn cản quá trình thụ thai, thứ hai là chính tác dụng làm mềm thịt của papain này có thể phá hủy màng tế bào phôi thai. Phụ nữ ở Sri Lanka muốn tránh thai, chỉ đơn giản là họ ăn đu đủ hàng ngày, và khi muốn đậu thai thì chỉ việc dừng ăn đu đủ!

Trong kinh nghiệm dân gian ở một số nước châu Á cho thấy, không chỉ ở phụ nữ, mà nam giới nếu ăn đu đủ một thời gian dài cũng có khả năng tránh thai. Các nghiên cứu trên động vật thực nghiệm cũng cho các kết quả lý thú. Hạt đu đủ đã được chứng minh là có hiệu quả tránh thai trên nam giới. Nghiên cứu thực nghiệm trên chuột và thỏ cho thấy các thành phần chiết xuất từ chloroform có trong hạt đu đủ có tác dụng tránh thụ thai có thể phục hồi được (reversible) trên chuột và thỏ đực mà không có độc tính. Thử nghiệm trên các chất chiết xuất từ hạt đu đủ cho thấy chúng có khả năng ức chế sự di chuyển của tinh trùng trên chuột và giảm sinh tinh trùng trên thỏ. Nghiên cứu gần đây nhất tiến hành theo cùng cách thức với các thí nghiệm trên, trên loài khỉ langur cho thấy hiệu quả làm giảm sinh tinh trùng xuất hiện sau điều trị 90 ngày mà không có tác dụng độc tính. Chức năng sinh tinh trùng được phục hồi hoàn toàn sau khi ngưng dùng thuốc 150 ngày. Về cơ chế hoạt động của các chất chiết xuất từ hạt đu đủ này vẫn còn chưa nhất quán. Các nghiên cứu trước cho thấy có lẽ các tác động này là do tương tác của các hoạt chất lên nguồn estrogen, androgen và antiandrogen. Tuy nhiên trong nghiên cứu sau này trên loài khỉ nêu trên, cho thấy số lượng tế bào tinh trùng bất thường đếm được tăng lên và cũng như bị bất động hoàn toàn ngay trong giai đoạn đầu điều trị, và như thế khả năng tác động có thể vào môi trường bên trong của thừng tinh hoặc vào trong giai đoạn tế bào mầm (germ cell) của tinh trùng trong tinh hoàn. Nghiên cứu sâu hơn nữa trên cùng một nghiên cứu, các tác giả quan sát thấy tổn thương xảy ra ở tế bào sertolli (một tế bào sinh tinh), và tình trạng giảm thiểu tinh trùng có thể là do tác động chọn lọc của thuốc lên sự phát triển của tế bào mầm, có lẽ qua trung gian là các tế bào sertolli, gây nên tình trạng ức chế hoạt động của các ty lạp thể (mitochondri), mà có thể ảnh hưởng đến chuỗi hô hấp tế bào gây độc tế bào trong quá trình tăng sinh tế bào mầm. Đây là một kết quả quan trọng cho việc hứa hẹn một loại thuốc tránh thai tạm thời cho nam giới ra đời.

Tác dụng lên thai nghén của đu đủ:

Như đã nêu trên, nhiều người ở các nước châu Á cho rằng đu đủ non có khả năng gây sẩy thai.

Trong một nghiên cứu trên chuột ở Ấn Độ, người ta cho chuột đang mang thai ăn (không ép buộc) các loại trái cây khác nhau, thì kết quả cho thấy trái đu đủ non có tác dụng ngăn cản chu kỳ động dục và gây sẩy thai. Mức độ sẩy thai giảm xuống khi cho chuột ăn loại trái đu đủ chín.

Một nghiên cứu khác về sau, nghiên cứu về tác dụng trên trương lực tử cung, người ta đã thử nghiệm chất chiết xuất từ nhựa đu đủ (papaya latex extract - PLE) trên tử cung chuột ở các chu kỳ động dục và thai nghén khác nhau. Kết quả cho thấy tác động của PLE gây co thắt tử cung xảy ra mạnh nhất là ở các giai đoạn sau của thai kỳ, tương ứng với kỳ estrogen đạt được nồng độ cao nhất. Nghiên cứu này cũng rút ra được tác động gây co thắt tử cung của PLE là một tác động phối hợp của các enzym, alkaloid, và các chất khác, hoạt động chủ yếu vào quần thể thụ thể (receptor) alpha adrenergic của tử cung ở các giai đoạn khác nhau. Một nghiên cứu mới gần đây nhất cũng trên chuột, loài Sprague-Dawley ở 4 giai đoạn thai nghén khác nhau, nhóm chứng chỉ dùng nước. Kết quả cho thấy nếu sử dụng nước trái đu đủ chín, thì các nhóm nghiên cứu không có khác biệt gì với nhóm chứng về ảnh hưởng co thắt cơ trơn tử cung được biệt lập từ chuột có thai và không có thai. Ngược lại, với nhựa đu đủ sống sử dụng ở nồng độ 0,1 - 3,2 mg/ml thì gây ra hiện tượng co thắt cơ tử cung giống như hiện tượng co thắt của oxytocin (một loại thuốc gây co thắt tử cung, dùng trong sản khoa) ở nồng độ 1 - 64 mU/ml và prostaglandin F (2 a) 0,028 - 1,81 microm. Đối với cơ trơn tử cung biệt lập thì đáp ứng co thắt cơ xảy ra đối với nhựa đu đủ sống (PLE) ở nồng độ 0,2 mg/ml tương đương với 0,23 microM prostaglandin F (2 a) và 32 mU oxytocin/ml. Trên chuột có thai 18 - 19 ngày thì có PLE hiện tượng co thắt như uốn ván. Như vậy từ kết quả của nghiên cứu này có thể rút ra rằng nếu ăn đu đủ chín ở mức độ bình thường thì không gây hại gì trên chuột có thai, nhưng ngược lại với loại đu đủ sống hoặc gần chín - loại còn chứa nhiều nhựa - có thể không an toàn cho thai nghén.

Tóm lại, những niềm tin và thực hành sử dụng trái đu đủ của người dân các nước châu Á từ lâu đã là một quan sát thực nghiệm, cho đến những năm gần đây câu chuyện chỉ là sự bổ sung cho thực nghiệm đó bằng cách tìm hiểu cơ chế hoạt động của đu đủ trên sinh sản và thai nghén mà thôi. Ngoài những ứng dụng như đã nêu trên, đu đủ xanh có thể được xem như là có tác dụng phòng tránh thai tạm thời trên nữ giới, đặc biệt là trên nam giới, các nghiên cứu đang đi đến giai đoạn sau cùng trước khi đưa ra áp dụng rộng rãi. Trong khi đó, trên thực nghiệm ở động vật, nhựa đu đủ xanh cũng đã được chứng minh là không an toàn cho thai nghén và có khả năng gây sẩy thai, thì đối với cơ thể con người chúng ta, nên tránh sử dụng đu đủ xanh, đu đủ gần chín trong thời kỳ mang thai.

( theo http://khoahocphothong.com.vn )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét