Home » » Nghi vấn về hệ thống cảnh báo lũ sông Mekong

Nghi vấn về hệ thống cảnh báo lũ sông Mekong

Written By 1 on Thứ Ba, 19 tháng 8, 2008 | 20:03

 

Ngập lụt tại tỉnh Kampong Cham, Campuchia -Ảnh: Reuters

TT - Các chuyên gia và nhiều tổ chức môi trường tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của mạng lưới cảnh báo lũ sông Mekong, khi các cộng đồng dân cư tại Thái Lan, Lào, Campuchia và VN đang phải đối mặt với những đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Hãng tin IPS cho biết kể từ ngày 9-8, mực nước sông Mekong liên tục tăng và đạt đỉnh gần 14m trong những ngày qua, vượt xa kỷ lục 12,69m của Thái Lan năm 1966. Tại Vientiane, đỉnh lũ kỷ lục cũ là 12,66m vào năm 1924. Theo Reuters, tại Lào, trong tuần qua bốn người đã chết vì lũ lụt và lở đất. Nước lũ liên tục tràn qua nhiều đoạn của con đê xây dọc bờ bắc sông Mekong tại thủ đô Vientiane. Cảnh sát phải chặn các con đường đến bờ sông để hỗ trợ xe chở bao tải đến chắn đê. Lở đất khiến đường chính nối liền Vientiane đến thành phố cổ Luang Prabang bị hư hại nặng.

Trong khi đó ở Thái Lan, hàng ngàn người tại ba tỉnh đông bắc Nhon Khai, Chiang Rai và Nakhon Panom phải bỏ nhà cửa đi tránh lũ. Hàng trăm ngôi nhà và một vùng diện tích đất trồng trọt rộng lớn chìm trong nước. Đường sá bị sạt lở khiến giao thông trong vùng ngừng trệ. Theo Bộ Nội vụ Thái Lan, đây là đợt lũ do sông Mekong gây ra tồi tệ nhất trong 100 năm qua, với thiệt hại vật chất đã lên đến 66,5 triệu USD.

Hệ thống cảnh báo không hiệu quả?

Rất nhiều chuyên gia môi trường khu vực nhận định hệ thống cảnh báo lũ sông Mekong hoạt động không hiệu quả trong đợt lũ này. Báo Bangkok Post dẫn lời bà Pianporn Deetes, điều phối viên tổ chức môi trường Thái Lan Living River Siam, khẳng định: "Nếu hệ thống cảnh báo hoạt động tốt, các cộng đồng bị ảnh hưởng có lẽ đã không bị động như vậy". Theo bà Pianporn, nạn nhân lũ không hề nhận được cảnh báo sớm trước đợt lũ ngày 12 và 13-8. "Họ không hề biết gì về mực nước sông dâng cao".

Phản ứng lại, Ủy ban sông Mekong (MRC) tuyên bố hệ thống cảnh báo không hề có lỗi. IPS dẫn lời ông Wolfgang Schiefer, chuyên gia MRC, khẳng định MRC đã đăng cảnh báo trên website và gửi fax đến chính quyền và tổ chức quốc tế tại các địa phương. "Các cộng đồng dọc sông Mekong đã có sự chuẩn bị tốt hơn trước đây để đối phó với lũ” - ông Schiefer nói. Tuy nhiên, bà Deetes cho biết ngay cả tổ chức của bà cũng không nhận được cảnh báo. "Liệu dân làng có sử dụng Internet và đọc cảnh báo bằng tiếng Anh được không?".

Theo IPS, hiện có 22 trạm quan sát lũ tại bốn nước thành viên MRC là VN, Thái Lan, Lào và Campuchia. Ngoài ra, MRC cũng liên kết với hai trạm cảnh báo lũ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - nơi dòng sông Mekong chảy qua. Từ năm 2001, MRC cũng đã tổ chức một dự án tận dụng kiến thức chống lũ của một số cộng đồng địa phương. Giám đốc dự án Aslam Perwaiz thuộc Trung tâm chuẩn bị đối phó thảm họa châu Á (ADPC) tại Bangkok cho biết 30 làng ở VN và Campuchia đã tham gia một chương trình quản lý và chống lũ.

Ảnh hưởng từ đập tại Trung Quốc?

Nhiều chuyên gia Thái Lan nghi ngờ ba đập lớn Manwan, Dachaoshan và Jinghong xây dọc sông Mekong chảy qua địa phận Trung Quốc góp phần gây nên đợt lũ lịch sử này. Trước những nghi vấn này, MRC tuyên bố không có bằng chứng cho thấy các đập tại Trung Quốc có liên quan đến những trận lũ ở Đông Nam Á. Theo MRC, mực nước dâng cao do "các điều kiện khí tượng và thủy văn".

Tuy nhiên, IPS dẫn lời bà Pianporn khẳng định trữ lượng của ba đập tại Trung Quốc lên đến 16.683 triệu m3, đủ để điều chỉnh dòng chảy tại phần phía bắc của sông Mekong, bao gồm một khu vực rộng lớn ở phía bắc Thái Lan. Trong khi đó, chuyên gia Somkiat Khuaenchiangsa của Tổ chức bảo tồn Chiang Khong cho rằng việc Trung Quốc phá hủy nhiều đảo nhỏ trên sông Mekong nhằm mở rộng đường giao thông cho các tàu chở hàng Trung Quốc cũng là một nguyên nhân gây tình trạng lũ lụt. Việc các đảo nhỏ biến mất làm tốc độ dòng chảy của sông tăng mạnh. Ông Somkiat đã đề nghị MRC họp khẩn để bàn biện pháp đối phó lũ trong tương lai.

 

( http://www.tuoitre.com.vn )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét