Cuối tháng 8/2008, công ty cổ phần Phần Mềm Việt (VietSoftware) đã giới thiệu phiên bản Beta của hệ điều hành (HĐH) Asianux Desktop 3, mã AXDRC-3.01VN, với mục đích thử nghiệm và thu thập ý kiến trước khi cho ra mắt chính thức HĐH này vào cuối năm. VietSoftware cũng thông báo sẽ phát miễn phí HĐH này cho toàn bộ ngành giáo dục trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Lương Sơn, tổng giám đốc VietSoftware cho biết: VietSoftware là thành viên của liên minh Hệ Điều Hành PMNM Châu Á (Asianux) – một tổ chức quan tâm đến việc cung cấp phần mềm cho ngành giáo dục - gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thành viên của liên minh này tại Hàn Quốc - công ty HaanSoft - đã cung cấp Asianux Server cho toàn ngành giáo dục của Hàn Quốc. Vì thế, VietSoftware đưa ra đề nghị của mình về việc cung cấp HĐH máy tính cá nhân miễn phí cho ngành giáo dục của Việt Nam và đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt.
Thưa ông, so với các HĐH nguồn mở khác, Asianux có gì khác biệt?
TS Trần Lương Sơn: Hiện nay, bên cạnh HĐH Windows, người dùng đã biết đến một số HĐH tự do và mã nguồn mở quốc tế như Ubuntu, hoặc các HĐH do một số công ty trong nước cung cấp. Chúng tôi cùng với liên minh Asianux quyết định đầu tư phát triển HĐH máy tính cá nhân cho châu Á vì có lợi thế quy mô, khi liên minh cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn châu lục này trong tương lai.
Asianux Desktop 3 mã AXDRC-3.01VN được phát triển và kế thừa từ các hệ điều hành Linux trước đây và các PMNM do cộng đồng phát triển. Mặt khác, chúng tôi đã nghiên cứu các đặc thù sử dụng và các yếu tố vùng miền đặc trưng của cộng đồng người dùng Desktop nhằm khắc phục tối đa các điểm yếu về thói quen sử dụng, băng thông hạn chế cũng như giảm thiểu các thao tác khi vận hành. Cùng với liên minh Asianux, chúng tôi đã hoàn thiện hệ thống hỗ trợ địa phương (local support) theo chuẩn quốc tế và khu vực. Đó là điều không có ở các HĐH dựa trên nền tảng nguồn mở khác.
Với Asianux Desktop 3, người sử dụng được cung cấp sẵn các ứng dụng phổ biến như bộ công cụ văn phòng OpenOffice, trình duyệt mail Thunderbird, trình duyệt web Mozilla FireFox, những tiện ích như Skype, Pidgin và những phần mềm đa phương tiện khác. Asianux Desktop 3 được tính toán lại các tiến trình nạp máy ảo Java nhằm tăng tốc tối đa quá trình khởi động các ứng dụng trên nền tảng Java cũng như khả năng tương thích với các ứng dụng chạy trên nền tảng Windows. Đặc biệt là HĐH này dễ dàng cài đặt, không đòi hỏi cấu hình máy cao, miễn dịch với virus, có giao diện đồ hoạ 3D thân thiện.
Trong tương lai, Asianux Desktop sẽ được hỗ trợ sẽ như thế nào?
Hiện tại Asianux Desktop 3 cùng với các ứng dụng trên cơ bản trên đó hoàn toàn đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc, nghiên cứu và giải trí của người dùng. Các phiên bản tiếp theo của Asianux Desktop sẽ liên tục được cập nhật và thông báo cho cộng đồng. Giao diện HÐH Asianux Desktop 3
Cùng với hệ thống local support, chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống TSN -Technical Support Network, một hệ thống tự động nâng cấp các phiên bản của Asianux Desktop và những bản vá định kỳ. TSN của Việt
Chúng tôi cũng phối hợp cùng với Intel và các nhà sản xuất máy tính cá nhân để cung cấp HĐH cho máy tính, đặc biệt là máy tính cho học sinh (Classmate PC) nhằm mục đích hỗ trợ cho giáo dục.
Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ của Liên minh Asianux và các đối tác công nghệ cùng với sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo, HĐH Asianux và các ứng dụng của nó hy vọng sẽ được phổ biến cho toàn ngành giáo dục trong năm 2010.
VietSoftware có phương án cung cấp Asianux Desktop 3 cho các doanh nghiệp và các cơ quan khác ngoài ngành giáo dục như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi dự định sẽ phát miễn phí Asianux Desktop 3 cho các DN, đồng thời kinh doanh với những dịch vụ đi kèm hệ điều hành này. Các dịch vụ đó có thể là đào tạo, xuất bản tài liệu, hỗ trợ kỹ thuật… nhằm đem lại thu nhập phục vụ cho nghiên cứu và phát triển liên tục.
Asianux Desktop 3 miễn phí thì các HĐH do các công ty khác cũng có thể miễn phí. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng các HĐH quốc gia khó có thể phát triển được. Ngay cả quốc gia lớn như Trung Quốc thì việc phổ biến HĐH Hồng Kỳ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc cũng không phải là điều thực tế. Liên minh Asianux thống nhất phát triển HĐH Asianux Desktop cho các nước châu Á khi các quốc gia thành viên như Trung Quốc, Hàn Quốc đều đã có những nỗ lực phát triển HĐH cho 2 nước này.
Với sự thành công của Asianux Desktop trong khu vực, chúng tôi hy vọng cùng với liên minh Asianux tham gia vào thị trường HĐH máy tính cá nhân khu vực ngoài ngành giáo dục và thu được lợi nhuận.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét