Cửu vị thần công
Lời dẫn : Tác giả bài viết nguyên là một sỹ quan QĐNDVN, nay đã nghỉ hưu. Ông là một người tâm huyết với lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử phát triển vũ khí nói riêng.
Quá trình học tập tại Trung quốc, Liên xô, Tiệp khắc và nhiều năm công tác trong ngành Quân giới, ông đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, xây dựng bộ sưu tập hơn 200 loại súng bộ binh từ khắp thế giới từng có mặt trong các cuộc chiến tranh ở VN (bộ sưu tập có đủ các mẫu súng thật, hiện do quân đội quản lý). Bài viết dưới đây được đăng trong một nội san từ vài năm trước. Với các sử liệu quen thuộc nhưng tác giả đã có góc nhìn độc đáo và không phải là không có lý. B.T xin giới thiệu cùng các bạn.
Ngay từ khi ra đời vào thế kỷ 13 ở Trung quốc, thuốc súng đã được sử dụng trong quân sự để gây cháy nhanh, tăng uy lực đám cháy và để làm pháo hoa. Sau đó thuốc súng được truyền sang Ấn độ và Châu Âu. Pháo thì ra đời ở Châu Âu vào khoảng giao điểm thế kỷ 13,14. Trong các bảo tàng của Nga và Châu Âu còn lưu giữ các mẫu súng có niên đại chính xác vào năm 1399, 1400. Nhưng càng ngày nhiều người chúng ta càng băn khoăn về những kiến thức trên. Dường như có những cơ sở để tin rằng pháo cũng đã được sinh ra ở Việt nam.
Khảo cổ VN chưa đưa ra được những hiện vật để chứng minh điều này, vả lại lâu nay ta cũng hay nghĩ xuôi chiều là phát minh này thuộc về các mảnh đất hùng mạnh khác như Trung quốc, Tây Âu…Bây giờ ta thử tìm hiểu lại các tư liệu, kể cả các truyền thuyết liên quan đến lĩnh vực vũ khí ở VN. Tôi muốn nhắc đến ở đây truyền thuyết đầu tiên là việc Thánh Gióng đánh giặc Ân đã dùng con ngựa sắt phun ra lửa. Phải chăng đây là hình ảnh của một khẩu súng phun lửa? Lại chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy, người Trung quốc phải sang ăn cắp vũ khí bí mật của VN. Đó là một loại nỏ bắn ra một lúc hàng chục mũi tên. Thật ra nếu nạp quá 5 mũi tên cho một nỏ thì lực phóng ra của từng mũi tên rất yếu, khó có thể gây sát thương. Mà nếu có làm được nỏ phóng nhiều mũi tên thì nó cũng khó sử dụng chiến đấu được vì quá cồng kềnh, phức tạp. Tất nhiên truyền thuyết là ý nguyện của nhân dân nên họ có thể phóng đại khả năng chiến đấu của nỏ, nhưng ta có thể nghĩ theo một cách khác không? Vũ khí được mệnh danh là “nỏ thần” có thể là loại súng thần công sơ khai chăng? Thần công bắn ra đạn thì khác gì bắn ra hàng chục mũi tên? những mũi tên đồng chúng ta tìm thấy ở thành Cổ loa thực ra rất dễ hình dung là một loại đạn nạp cho một loại ống phóng tên hàng loạt nào đó. Còn lẫy nỏ kia – chi tiết bí hiểm nhất mà Trọng Thuỷ phải sang nằm mấy năm mới lấy được phải chăng là bộ phận điểm hỏa, mà nói rộng ra là thành phần thuốc súng. Theo những tư liệu lịch sử thì nỏ là một loại vũ khí rất đặc trưng của VN, có thể khi chế ra được thần công tuy có uy lực lớn nhưng người ta vẫn chỉ gọi nó là nỏ, nhưng là “nỏ thần”.
Tất nhiên đây chỉ là truyền thuyết, nếu gán cho thời điểm ra đời của pháo với giai đoạn của Mỵ Châu-Trọng Thuỷ thì quá sớm. Nhưng ở đây cần nhấn mạnh một điều: biết đâu chính các truyền thuyết này là những gợi ý cho người VN xưa sớm nghĩ ra những khẩu súng đầu tiên. Bản thân những truyền thuyết này đã là những gợi ý quá cụ thể về một khẩu pháo thần công. Không biết có dân tộc nào trên thế giới có một lúc hai truyền thuyết liên tiếp liên quan đến vũ khí như thế không? Trở lại chuyện Thánh Gióng, những truyền thuyết về một con rồng hay con gì đó phun lửa rồi bị chàng dũng sỹ diệt trừ thì nhiều dân tộc có. Nhưng sự khác biệt độc đáo của chuyện Thánh Gióng là vật phun lửa ở đây là do con người tạo ra, bằng sắt và được dùng trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Thật là một truyền thuyết đẹp. Bây giờ nếu ngắm kỹ khẩu súng thần công thời cổ chắc nhiều bạn cũng thấy là nó thật giống một cái đầu ngựa đang há mồm phun lửa.
Như vậy tôi đưa ra hai truyền thuyết tạm coi như hai mắt xích của chuỗi lịch sử. Tất nhiên tôi sẽ không dám đưa ra ngay suy nghĩ: VN là cái nôi của pháo binh nếu như không có các mắt xích tiếp theo, có thể là đoạn tiếp nối của những mắt xích kia. Đó là từ những năm 1390 ta đã dùng hoả pháo để bắn chết chúa Chiêm thành Chế Bồng Nga. Đại việt sử ký toàn thư viết: ”Năm Thuận Tông thứ 3 (1390) mùa xuân, tháng giêng, tướng Trần Khát Chân đánh bại quân Chiêm thành ở Hải triều (cửa sông Luộc), chúa Chiêm thành là Chế Bồng Nga bị chết. Bấy giờ Chế Bồng Nga và hàng tướng là Lập Diệu mang hơn một trăm chiến thuyền đến quan sát tình thế. Trần Khát Chân sai các hỏa pháo cùng bắn, bắn trúng Bồng Nga ngã xuống thuyền chết”. Đáng tiếc là sử không ghi rõ hoả pháo thời bấy giờ như thế nào.
Mắt xích tiếp theo mà sử còn ghi khá rõ là trường hợp Hồ Nguyên Trừng. Hồ Nguyên Trừng, tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, con trai cả của Hồ Quý Ly. Năm 1406, quân Minh xâm lược nước ta, pháo do Hồ Nguyên Trừng chiến đấu rất hiệu quả, Đại việt sử ký toàn thư còn ghi lại:”xác giặc chất cao ngang thành” nhưng do không được lòng dân, cha con Hồ Nguyên Trừng thua trận và bị bắt đưa sang Trung quốc. Nhà Minh trưng dụng Hồ Nguyên Trừng làm chuyên gia đúc pháo, sau còn được bổ nhiệm làm quan trông coi việc sản xuất vũ khí. Theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì trong sử đời Minh có ghi nhận:”Trừng khéo chế súng, chế ra thần sang cho triều đình, đến nay tế binh khí đều phải tế Trừng”. Trong sách Thông ký cũng nói: ”Lúc đầu Quốc Triều (chỉ nhà Minh) chỉ có năm quân doanh, ấy là Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu. Năm Vĩnh Lạc xưa (1403-1424) lấy 3000 quân kỵ rợ Hồ đặt dưới lá cờ rồng, lập ra tam thiên doanh. Sau khi nam phạt, học được phép chế thần công thì lập ra thần cơ doanh”. Sau này Giáo sư Trần Quốc Vượng nghiên cứu sử Trung quốc cũng xác nhận trong Minh sử có ghi: “Đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ”. Rõ ràng nhiều tài liệu sử học của VN và Trung quốc đều khẳng định: Trước kia trong quân đội Trung quốc (ít ra là từ thời Minh) không có pháo binh, sau bắt được Hồ Nguyên Trừng, học được cách đúc pháo mới hình thành binh chủng này. Đối chiếu với sử Tây Âu, ta thấy Hồ Nguyên Trừng đã là chuyên gia đúc pháo vào thời điểm việc đúc pháo ở Tây Âu còn sơ khai. Chúng ta biết rằng, để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực phức tạp thuộc loại nhất thời bấy giờ (liên quan đến hoá nổ, kỹ thuật pha chế vật liệu, kỹ thuật đúc…) không phải ngày một ngày hai mà phải là quá trình nghiên cứu khó khăn, tích lũy lâu năm, và chắc chắn là phải có sự kế thừa từ trước. Sử xưa không viết lại nghề này xuất hiện ở VN từ bao giờ nhưng rõ ràng là phải trước đời nhà Hồ khá lâu. Trung quốc đã hiểu điều này nên khi bắt được Hồ Nguyên Trừng là họ khai thác ngay. Nếu ở Trung quốc thần công đã xuất hiện trước thời Minh thì chắc chắn tới thời Minh nghề đúc pháo và binh chủng pháo binh đã tiếp nối. Không lý gì mà một kỹ thuật như vậy lại thất truyền ở một đất nước đông dân, nghề thủ công phát triển và chiến tranh liên miên như Trung quốc. Việc dân Trung quốc thờ Hồ Nguyên Trừng như một ông tổ ngành pháo binh là một minh chứng rất giá trị. Một lợi thế của họ Hồ khi đúc thần công là VN có truyền thống đúc đồng. Hàng loạt trống đồng có niên đại 2000-2500 năm đã chứng tỏ điều này. Phải chăng việc phát minh ra thuốc súng và kỹ thuật đúc đồng cao đã là nền tảng cho việc ra đời cái ống đồng để phun lửa rồi khi khi thấy luồng khí, lửa phụt ra làm văng đất đá đã dẫn đến việc lấy đá, rồi sau này là đạn đá, đạn đồng, đạn sắt nhồi vào nòng để tăng uy lực. Việc này chắc chắn đã xảy ra trước thời nhà Hồ khá lâu và nhiều người VN đã biết kỹ thuật này. Bằng chứng là sau khi Hồ Nguyên Trừng bị bắt, dân Việt vẫn chế tạo súng thấn công để chống giặc một cách bình thường.
Nhưng nói đi rồi nói lại, cứ coi là VN có pháo thần công từ rất sớm đi, thì trước đó không thấy sử nào nói đến việc chế tạo và sử dụng. Thật ra việc viết sử của người Việt không được sớm và chu đáo như người Trung quốc. Và thời xưa người VN có cách đánh rất nhanh nhẹn, cơ động, thường lấy ít địch nhiều. Họ không thích sự bài bản, phức tạp mà việc sử dụng pháo thời sơ khai còn khó khăn, nặng nề. Theo các sử gia Châu Âu, vào thế kỷ 15-16 để bắn một phát đạn phải chuẩn bị một tiếng đồng hồ! Thậm chí đến thế kỷ 17 trong “Chiến tranh 13 năm” pháo thủ Áo trước khi bắn phải nghe đến 163 lệnh và thực hiện 99 thao tác (bây giờ chúng ta không thể hình dung được những lệnh gì và thao tác gì mà nhiều như vậy). Còn ở Châu Á, về cách dùng hỏa hổ, theo sách “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ ghi như sau: “Lấy ống dài 6 tấc 3 phân nhồi thuốc súng làm ba nấc: nấc thứ nhất dày một tấc giã 300 chày, nấc thứ hai dày ba tấc giã 300 chày, nấc thứ ba nạp tên sắt có đeo sào (?) dài một tấc, lại nạp thuốc một tấc giã 300 chày. Xong rồi đằng sau dùng tre già năm tấc tiếp vào, lại cho ngòi thuốc xuyên qua đầu ống. Lúc dùng lửa đốt đầu ngòi thì thuốc cháy và tên sắt tự nhiên bắn tung ra”. Xem ra cách bắn thật tốn công sức và thời gian. Đó là chưa kể việc khiêng vác pháo trong các địa bàn rừng núi, sông rạch, đầm lầy tốn rất nhiều sức người. Thuốc súng thời đó lại là thuốc đen, việc bảo quản để thuốc không bị ẩm là hết sức khó khăn. Phải chăng vì những lẽ đó nên tuy có thể làm ra phào thần công nhưng người Việt không thích dùng. Chỉ tới thời nhà Hồ quân đội được tổ chức tương đối chính quy, việc sử dụng pháo mới phát triển.
9 khẩu thần công tại kinh thành Huế
Như vậy, dường như chúng ta đã nhìn ra một chuỗi xích rất dài của lịch sử pháo binh VN nhưng đáng tiếc là thiếu mất mấy mắt. Trong lịch sử kỹ thuất quân sự VN bên cạnh những nghi vấn về xuất xứ súng thần công như đã nêu trên, còn những nghi vấn khác về nguồn gốc của nỏ, nguồn gốc thuốc súng…Nếu chứng minh được những vũ khí trên có nguồn gốc VN thì thật vẻ vang cho cho khả năng, trí tuệ của người Việt chúng ta. Tất nhiên đây là một việc khó khăn và không thể làm được ngày một ngày hai. Nó đòi hỏi công sức của nhiều ngành, nhiều người, trong đó có những người lính chúng ta.
Tác giả: Nguyễn Mạnh Nghĩa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét