Home » » Vào “rừng ma”

Vào “rừng ma”

Written By 1 on Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008 | 02:39

 

 

Ông Nên chỉ: “Đây là một khu “rừng ma” của người Xê-đăng” - Ảnh: Diệu Hiền

Dù đã nhận lời đưa tôi vào “rừng ma”, nhưng Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) Hồ Văn Nên vẫn luôn miệng hỏi: “Có thiệt là cô ưng vô “rừng ma” không? Vô làm cái chi trong nớ?”. Thấy tôi cương quyết muốn vào, ông mới miễn cưỡng dẫn đi...

Sợ “con ma rừng”

Trước khi nhờ ông Nên, tôi đã từng thử thuyết phục hơn 10 người dẫn vào “rừng ma”, cả người Kinh lẫn người dân tộc địa phương. Nhưng tôi đều nhận được những cái lắc đầu nguầy nguậy. Có người còn nhìn tôi sửng sốt khi nghe hai chữ “rừng ma”. Có cả những anh chàng có thể xuyên rừng bất kể ngày đêm, đi cả tháng trong rừng, không sợ bất cứ thú dữ nào, nhưng nghe đến “rừng ma” cũng ngó lơ. Điều đó càng khiến tôi tò mò về những khu “rừng ma” của vùng núi non hiểm trở này. Và thật may, ông Nên đã nhận lời sau khi tôi kỳ công thuyết phục.

Theo lời ông Nên, “rừng ma” có mặt ở khắp các làng bản ở vùng Nam Trà My, nơi có đến hơn 97% dân số là người dân tộc Ca-doong và Xê-đăng. Mỗi làng đều có riêng một khu “rừng ma”, như một nghĩa trang riêng. Tục lệ chôn người của dân tộc Ca-doong và Xê-đăng khác người Kinh. Với người Ca-doong, khi an táng người chết trong rừng, họ chỉ đào một hố sơ sài, sau đó rải đá xuống dưới, sau khi bỏ người chết vào lại rải đá lên trên và lấp đất. Người Xê-đăng càng đơn giản hơn, thay vì dùng đá, họ chỉ dùng cây chằng trên dưới rồi bỏ người chết vào, lấp đất. Vì chôn cạn, nên đôi khi thú rừng đánh hơi, mang xác đi đâu không biết được. Những người làm công việc mai táng là nam giới; sau khi xong việc họ đều ra suối tắm rửa nhiều lần, rồi uống rượu đến say mèm. Có người sau khi chôn, ở suối cả mấy ngày trời mới dám về bản làng, vì sợ “con ma” biết đường về theo.

Già làng Sắt kể chuyện về “rừng ma” - Ảnh: Diệu Hiền

Trèo lên một đoạn dốc khúc khuỷu, khu “rừng ma” thôn 4 (xã Trà Tập) xuất hiện bên một dòng suối khá thơ mộng. Ở đó, có nhiều lồ ô mọc um tùm, rũ mình bên dòng nước mát lành. Chúng tôi cảm giác rờn rợn dù ánh sáng mặt trời vẫn len lỏi vào tận bên trong khu rừng, chiếu rõ từng hòn đá, gốc cây. Ông Nên bảo: “Không có ai đến “rừng ma” vào ban ngày cả, họ sợ người chết bắt mất hồn vía! Mà vô cũng không thể định hướng được đâu là nơi chôn cất. Chẳng ai đánh dấu chỗ chôn người của mình, có thể là gốc cây này, có thể là gốc cây kia!”. Vừa nói, ông vừa chỉ vào những gốc cây bên vệ đường. Tất cả đều phẳng lì, không có gì là dấu hiệu của mồ mả, cũng chẳng có ai đến viếng thăm, hương khói như dưới miền xuôi. Chỉ có thể cảm nhận được khu rừng này có mùi không bình thường so với những khu rừng chúng tôi đã đến: mùi của sự ô nhiễm và tử khí. Đi được chừng 45 phút, ông Nên kiên quyết đề nghị quay trở ra. Chúng tôi rời “rừng ma” mà chưa thấy thỏa mãn, đồng thời mang theo thắc mắc: với việc chôn cất trong khu rừng bên bờ suối này, liệu nguồn nước suối - vốn được hầu hết bà con ở đây sử dụng để ăn uống, tắm giặt – có bị ô nhiễm? Trên đường quay về, một người trong đoàn chỉ tay về phía đối diện bệnh viện huyện, kể: Mới đây, khi người ta cày ủi để xây dựng một số công trình, phát hiện rất nhiều bộ hài cốt chôn cạn, mới hay nơi đó trước cũng là “rừng ma” của một bản làng gần đấy.    

Những hủ tục kỳ lạ

Rời “rừng ma”, tôi được dẫn đến nhà của già làng Đinh Văn Sắt (thôn 4, xã Trà Tập). Bên ánh lửa bập bùng của ngôi nhà sàn nhỏ hẹp, già làng Sắt - đã ngoài 70 tuổi - sang sảng kể chuyện núi rừng, trong đó có những hủ tục của người Ca-doong, Xê-đăng về tang ma.

Già Sắt kể, chết đối với những người dân tộc Ca-doong hay Xê-đăng vùng này, nghĩa là chấm dứt, không một chút nhớ nhung, vấn vương đến người sống. Nhà có người chết, việc làm đầu tiên là tiến hành chia của nả trong nhà. Ví như nhà có 4 người, cộng thêm người chết là 5, thì sẽ chia toàn bộ gia sản trong nhà thành 5 phần, từ gạo mắm muối đến chén bát, xoong nồi. Sau đó, gói phần của người chết lại để chôn theo. Những nhà có của một chút thì chia thêm ché, chiêng, quần áo. Người chết được chôn ngay trong đêm, toàn bộ người trong làng được huy động đi tìm đá (với người Ca-doong) hoặc cây (với người Xê-đăng). Trước khi chôn, người thân trong gia đình phải “khẳng định” với người chết, là của nả đã được chia đồng đều, nên cứ vậy mà đi, không còn liên quan gì với gia đình, không được tìm về nhà để đòi tài sản nữa.  

Theo tục lệ, phụ nữ không được tham gia vào việc chôn cất cho dù người chết có là cha, chồng hay con; lại càng không được bén mảng vào “rừng ma” trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những nhà không có con trai, chỉ toàn phụ nữ, thì bà con trong thôn bản nhận nhiệm vụ chôn cất. Sau khi xong việc, ngoài những người đi chôn sẽ tắm suối, uống rượu ngoài rừng như đã kể trên, số còn lại trong làng tụ tập ở nhà người chết, mổ heo, gà hoặc bò tùy gia đình giàu nghèo, ăn uống suốt 3 ngày. Theo đó, họ phải vui vẻ cho người đã khuất “biết” người sống vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí vui như hội dù không có họ, để con ma không vì tiếc thương mà quay trở lại làng. Và khi thịt con gì họ cũng đều chia cho người chết một ít, đến 6 giờ tối sẽ “gửi”. Trong suốt 3 ngày đó, tất cả những người trong làng không làm việc gì, không đi rừng, đi rẫy, chỉ ăn chơi và uống rượu. Và người chết, phải hoàn toàn bị xóa ra khỏi ký ức, không bao giờ được nhắc lại, không một ai nghĩ đến chuyện vào viếng thăm. Và đối với họ, con ma rừng trong “rừng ma” đáng sợ gấp ngàn lần con voi, con cọp...

***

Ông Nên bảo, những người dân tộc Xê-đăng, Ca-doong ở một số vùng gần với các công trình dân sinh vừa mới mọc lên, đã bắt đầu thay đổi quan niệm về tang ma. Đã bắt đầu có những gia đình người dân tộc tìm cho người thân của mình một chỗ chôn cất tử tế, có thể vào thăm viếng hằng năm vào ngày mất. Nhưng số đó vẫn rất hiếm... “Rừng ma” vẫn là nơi phổ biến mà những người dân tộc ở vùng núi Quảng Nam này tìm đến, để “cắt đứt” người đã khuất với cuộc sống của mình.

( http://www.thanhnien.com.vn )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét