Home » » Tại sao dơi treo thân khi ngủ?

Tại sao dơi treo thân khi ngủ?

Written By 1 on Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008 | 06:49

 

TTCT - Khi ngủ, dơi quay đầu xuống dưới và chân bám chắc vào một vật nào đó nhằm cấp đủ máu cho não, giúp chuyển hóa máu chậm lại - theo ông Jacques Cousin, phụ trách bảo tồn bộ sưu tập động vật có vú và loài chim ở Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Pháp. Tư thế ngủ này cũng giúp dơi thoát nhanh khi bị tìm bắt.

Quả thế, khi ngủ, dơi khóa các gân ngón chân để có thể bám thật chặt. Khi cần tránh kẻ thù, nó mở khóa gân chân để thân mình rơi nhanh xuống và mở cánh bay bằng phản xạ.

Máy bay chiến đấu có phòng vệ sinh không?

Không. Trong khoang máy bay chiến đấu Mirage hoặc F16 không có phòng vệ sinh vì quá chật chội. Chỉ trong máy bay hai chỗ ngồi Sukhoi Su-32FN của Nga có một phòng vệ sinh nhỏ ở phía sau. Trong khi làm nhiệm vụ, có lúc kéo dài đến tám giờ nhờ tiếp nhiên liệu trên không, phi công tiểu tiện vào các túi nhựa nhỏ bên trong có miếng xốp lớn.

Hắt hơi ở trạng thái không trọng lực

Động học nói rõ: mỗi hành động đều tạo một lực phản động với cùng cường độ, theo hướng ngược lại. Hắt hơi là thở ra mạnh, làm 1 lít không khí thoát ra với tốc độ 150km/giờ trên đoạn đường dài đến mấy mét. Theo nguyên lý trên, cơ thể bị giật lùi với sức mạnh tương đương lượng không khí thoát ra. Ở trạng thái không trọng lực, khối lượng con người vẫn còn nguyên, nghĩa là quá lớn đối với 1,3 gram không khí thoát ra, nên không thể bị giật lùi được. Chuyển động thật mạnh về phía trước của đầu khi hắt hơi sẽ làm cho hai chân hất ngược lên về phía sau, làm một người đang lơ lửng sẽ xoay vòng quanh chính mình.

Hôn thế nào cho đúng?

Nhà tâm lý học Đức Onur Gunturkun thực hiện cuộc nghiên cứu với 124 nụ hôn trao đổi tại các sân bay, ga xe lửa, bãi biển... và thấy rằng 2/3 số người thường hôn người kia bên phải. Tuy nhiên, chưa hiểu được tại sao dân thành phố Toulouse (Pháp) hôn nhau bốn cái mỗi lần, trong khi người Paris chỉ hôn mỗi lần hai cái.

Tại sao vỏ bánh xe màu đen?

Để bảo vệ bánh xe. Do cao su tự nhiên bị lão hóa nhanh với oxy, ozôn và tia cực tím, người ta đưa trộn thêm các chất chống oxy hóa màu đen vào. Hơn nữa, carbon màu đen còn chống được sự kéo rách và bào mòn. Tuy nhiên, trong bánh xe “màu xanh” của Công ty Michelin, một phần carbon màu đen được thay bằng silic đioxit để giảm trơn trượt.

Tại sao ảnh phản chiếu trong nước bị mờ?

Trong không khí, ánh sáng từ các vật thể nhìn thấy đi vào mắt bị lệch do hiện tượng khúc xạ, nhưng giác mạc và nhãn cầu có thể điều chỉnh để chùm tia sáng tụ vào võng mô. Vấn đề thay đổi khi ánh sáng đi từ nước, qua không khí đến mắt. Khi đó, tia sáng bị lệch khác với khi chỉ đi qua không khí. Giác mạc và nhãn cầu không thể điều chỉnh chính xác tia sáng vào đúng võng mô, tạo cảm giác mờ.

Nhiệt có thể làm nổ chai nước ngọt?

Đừng để chai bị nóng. Chính khí CO2 trong nước ngọt đã tạo ra áp lực. CO2 hòa tan trong nước, ở dạng khí trong bọt và trong chân không ở phía trên của chai. Khi chai bị nóng, độ hòa tan của CO2 giảm và xuất hiện nhiều bọt khí khiến áp lực tăng và đến giới hạn nào đó, sức đẩy quá mạnh làm nút chai bật nổ. Với chai bia, áp lực bên trong phải vượt quá 15 bars nút chai mới bật ra. Nút vặn chỉ có thể chịu nổi đến 10 bars. Lưu ý răng áp lực gas thay đổi với nhiệt độ. Chẳng hạn áp lực 4 bars của một chai nước ở 100C có thể tăng đến 16 bars ở 350C.

Côn trùng có thở?

Có, nhưng không thở như người. Không như động vật cấp cao, côn trùng không có phổi cũng không có máu, chúng có một hệ thống ống gọi là khí quản, mang trực tiếp oxy đến các tế bào. Không khí vào khí quản thông qua các khe gọi là lỗ thở ở hai bên ngực và bụng dưới, đóng mở từng phần theo nhu cầu. Với côn trùng bay, động tác đập cánh kéo theo chuyển động của ngực làm dãn các lỗ thở. Ở một vài chỗ, khí quản có hình túi để tăng lưu lượng không khí.

Khẩu hiệu của Thế vận hội

Khẩu hiệu của Thế vận hội (Đại hội thể thao Olympic thế giới) là “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”, từ tiếng Latin “citius, altius, fortius”. Huân tước Pháp Pierre de Coubertin, người tổ chức Thế vận hội đầu tiên ở Hi Lạp năm 1896, nói: “Điều quan trọng ở Thế vận hội không phải là chiến thắng, mà là tham dự”.

Nấm mốc ở đâu ra?

Từ các bào tử nấm bay lơ lửng trong không khí. Các bào tử này có thể hiện diện trên bề mặt rau trái lúc thu hoạch, vận chuyển hay lưu trữ. Rau trái bị giập, trầy xước hay khô nứt sẽ tạo ngõ vào cho nấm mốc phát triển. Thường, trái cây - như mận hay táo - được bảo vệ bằng một lớp sáp tự nhiên. Không thể diệt mốc bằng cách ngâm trái cây trong nước mà phải rửa bằng xà bông, nhưng như thế sẽ làm mất lớp sáp bảo vệ.

( theo báo tuổi trẻ )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét