Home » » Khát vọng dân tộc và sứ mệnh tiếp nối

Khát vọng dân tộc và sứ mệnh tiếp nối

Written By 1 on Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008 | 23:05

 

Những dân tộc xung quanh ta đã làm nên kỳ tích phát triển khi biết nung nấu ý chí dân tộc và lòng quả cảm dấn thân cho khát vọng vượt lên - được hội tụ và dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo, đại diện cho dân tộc. Khát vọng của dân tộc này, như được viết từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945: Đất nước thực sự độc lập, giàu mạnh, nhân dân tự do, hạnh phúc đang đặt trên vai Đảng Cộng sản VN sứ mệnh lịch sử mới.

Với mỗi dân tộc, Quốc khánh luôn là ngày kỷ niệm thiêng liêng - ngày để họ cùng nhau chiêm bái những giá trị lịch sử của dân tộc mình, ngày họ nhắc nhau soi vào tấm gương quá khứ để đủ tự tin, kiêu hãnh và can trường dấn bước đến tương lai.

Với riêng dân tộc Việt Nam, đó còn là ngày đánh dấu thời khắc lịch sử: ngày một dân tộc thuộc địa đã ngẩng cao đầu bước ra từ 80 năm nô lệ tủi nhục để kiêu hãnh nói với cả thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập!

Dân tộc bé nhỏ ấy, một lần nữa, như nhiều lần trong lịch sử bốn ngàn năm của mình, đã chứng minh với thế giới mình không thiếu lòng dũng cảm và ý chí ngoan cường.

Phải phơi mặt trước sóng gió Biển Đông, có mặt tiền “hở” đến mức tất cả các “ông lớn” đều có thể tiếp cận hoặc tấn công, có miền biên thùy tiếp giáp với nước lớn láng giềng phương Bắc, và đã từng đối mặt với những kẻ thù hùng mạnh nhất thời đại, nhưng dân tộc Việt chưa từng một lần sợ hãi, vẫn kiêu hãnh, can đảm bước đi và ngày càng phát triển.

Trong lịch sử sự phát triển tâm lý của nhân loại, lòng dũng cảm luôn được kính phục. Uy tín và sự đáng tôn kính của một dân tộc thể hiện trước hết và trên hết ở lòng dũng cảm. Lịch sử dũng cảm của dân tộc Việt Nam, hẳn không một dân tộc nào, không một nhà nghiên cứu nào trên thế giới này dám phủ nhận.

Vậy mà, trong những ngày đất nước thanh bình, người ta cứ mãi day dứt với câu hỏi: tại sao lòng yêu nước, đức hiến dâng và bản lĩnh dấn thân của những con người hôm nay không được hiển lộ như thời ấy?

Trả lời câu hỏi đó, Hồ Chí Minh và những người như Bác dường như là chìa khóa khơi mở sức mạnh.

“Khi cụ Hồ nhìn vào mỗi người dân, thấy lòng yêu nước trong mỗi người, thì tức khắc lòng yêu nước trỗi dậy. Khi cụ nhìn thấy sự hi sinh của người đó đối với dân tộc, thì tức khắc lòng hi sinh trỗi dậy. Những đức tính đẹp và ác ẩn giấu trong mỗi người, khi ta gọi tên thì nó thức dậy”

– nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều.

Không cần hiểu thế nào là chủ nghĩa Mác - Lênin, không cần biết những học thuyết, chủ nghĩa , những người Việt Nam thời ấy, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, giai cấp nọ, tầng lớp kia, đã một lòng dâng hiến cho cách mạng, bởi họ nhìn thấy hình ảnh của Đảng là lãnh tụ Hồ Chí Minh , cũng như các nhà lãnh đạo và đa phần cán bộ thời ấy, lòng yêu nước và tinh thần xả thân, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

“Hồi ấy không ai hiểu sâu tư tưởng Hồ Chí Minh như bây giờ đâu, người ta chỉ đọc những tài liệu như "lề lối làm việc" thôi nhưng ai cũng học được Bác Hồ và làm theo Bác Hồ", cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đỗ Quang Thắng kể.

Một triết gia đã từng nói lòng yêu nước và ý thức dân tộc là cấu thành bẩm sinh của bất kỳ con người nào trên trái đất này, nếu người đó có đất nước. Lòng yêu nước, ý thức dân tộc không được khơi dậy bởi ai cả. Người ta tìm thấy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong nhà chính trị đại diện cho mình thì người ta đi theo nhà chính trị ấy.

Hơn mọi khẩu hiệu, mọi học thuyết và chủ nghĩa, điều đó tự thân đã tạo nên động lực tinh thần để tập hợp và gắn kết nguồn lực vĩ đại của cộng đồng dân tộc.

Sẽ là không công bằng và vội vã khi nhận định người hôm nay không yêu nước như người hôm qua, thế hệ trẻ hôm nay không dũng cảm và dám dấn thân như thế hệ cha ông họ. Bởi người trẻ hôm nay, khi lòng tự hào và tự tôn dân tộc bị xúc phạm, đã không e ngại mà lên tiếng mạnh mẽ, bằng cách riêng của mình. Chỉ có điều, dường như những hành động đó còn mang nặng tính bộc phát, tức thời, thay vì được dẫn dắt để trở thành một giá trị phổ quát, thậm chí một đức tin của thời đại.

Trong cuộc bàn tròn trực tuyến ngày 19/8 trên VietNamNet, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã cùng đi đến một đúc kết: Cần những người đứng mũi chịu sào, dẫn dắt cộng đồng để có sự hiến dâng thực sự.

Lịch sử đã chứng minh khi bị dồn đến chân tường, như khi đối diện với họa xâm lăng của những kẻ thù hùng mạnh, hay khi chênh vênh bên bờ vực khủng hoảng những năm tiền ĐỔI MỚI, dân tộc này đủ can đảm và dũng khí để đứng lên, vượt lên để phát triển.

Nhưng lịch sử còn thiếu những câu chuyện về sự dũng cảm vượt lên chính mình để đột phá , để vượt qua những nguy cơ của dân tộc, của đất nước trong tương lai.

Vượt lên được chính mình, vượt qua được quán tính tư duy , vượt qua được lợi ích cá nhân … bao giờ cũng khó khăn gấp bội.

33 năm hòa bình thực sự, trong đó có 22 năm đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều việc, được ghi nhận và đáng để tự hào. Nhưng món nợ với cha ông, kể từ ngày Độc lập 2/9/1945 vẫn chưa trả được. Việt Nam vẫn là một nước nghèo, một công dân hạng hai trên thế giới.

Lịch sử phát triển của các dân tộc trong khu vực này đã chứng minh một thực tế rằng 30 năm là một thời gian đủ để một quốc gia lạc hậu trở nên phát triển.

Chỉ mất 30 năm để một Nhật Bản hoang tàn trong đống đổ nát chiến tranh, nhục nhã bởi cảm giác thất trận vươn lên trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ mất 30 năm để một Hàn Quốc bị xâu xé bởi nội chiến và ly loạn, mấp mé bên bờ vực của sự chết đói vươn lên thành một trong những nước công nghiệp phát triển.

Và cũng chỉ ngần ấy thời gian để một đảo quốc bé nhỏ Singapore vừa bỡ ngỡ độc lập trở thành trung tâm kinh tế - tài chính khu vực.

Họ đã làm nên điều kỳ vĩ bởi biết nung nấu ý chí dân tộc và hun đúc lòng quả cảm dấn thân cho giấc mơ chung, khát vọng chung của dân tộc mình – được kết tinh và dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc họ.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt dân tộc này giành độc lập, thống nhất cho đất nước, chiến thắng qua hai cuộc chiến tranh, qua công cuộc Đổi Mới thành công cũng chính vì Đảng đã đồng hành cùng giấc mơ, khát vọng độc lập, tự do thuở ấy của dân tộc.

Giấc mơ chung của dân tộc Việt Nam hôm nay, như được viết từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, hơn bất kỳ mô hình, học thuyết nào, chỉ giản dị là: Đất nước thực sự độc lập, giàu mạnh, dân tộc được tự do và hạnh phúc.

Đất nước, dân tộc đang đặt trên vai Đảng sứ mệnh mới, vinh quang nhưng đầy thách thức, đòi hỏi lòng quả cảm, trí tuệ và bản lĩnh phi thường.

( http://www.tuanvietnam.net )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét