Quảng trường Ba Đình và ngày 2 tháng 9. Địa danh ấy, mốc thời gian này gắn kết với nhau, đồng hành bên nhau mãi cùng dòng chảy lịch sử Việt Nam, gắn liền với một nhân vật trung tâm của đất nước trong thế kỷ 20, một người con vĩ đại của dân tộc- Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập - Ảnh tư liệu
Lại một Mùa Thu vĩnh cửu trở về đất trời Hà Nội. Một Ngày Thu thiêng liêng của mọi người Việt Nam đã trở lại nơi con tim của đất nước, với Quảng trường Ba Đình lịch sử, giữa Thăng Long- Hà Nội.
Như một thông lệ của tâm thức, tôi và có lẽ nhiều người dân Thủ đô cũng vậy, trong những ngày đầu tháng Chín hàng năm lại đi qua nơi ấy, dừng lại dù là trong chốc lát, ngắm nhìn. Chỉ vậy thôi, giản dị và lặng lẽ, cho lòng yên tĩnh và có khi cho những hoài niệm chợt hiện về, những suy ngẫm được sáng hơn…
Quảng trường Ba Đình và ngày 2 tháng 9. Địa danh ấy, mốc thời gian này, gắn kết với nhau, đồng hành bên nhau mãi cùng dòng chảy lịch sử Việt Nam, gắn liền với một nhân vật trung tâm của đất nước trong thế kỷ 20, một người con vĩ đại của dân tộc – Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử có sự trùng lặp ngẫu nhiên đến lạ lùng.
Tại Quảng trường Ba Đình, 63 năm trước, đúng ngày này 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, long trọng khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập và thống nhất non sông.
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, tháng 9/1954 - Ảnh tư liệu
Sau gần một phần tư thế kỷ, năm 1969, cũng ở nơi đây Ba Đình, Người đi vào giấc ngủ ngàn thu, để lại bản Di chúc với những lời nhắn gửi sâu sắc, những lời căn dặn thiết tha liên quan vận mệnh cả dân tộc cùng “muôn vàn tình thương yêu” để lại đồng chí đồng bào cả nước.
Điều quý hóa là cả Tuyên ngôn độc lập và Di chúc, hai áng văn bất hủ đó đều chính tự tay Người soạn thảo, bút danh còn lưu lại đầy đủ vào thời điểm vô cùng hệ trọng của đất nước. Đó là sản phẩm của một trí tuệ uyên thâm kết tinh tri thức và văn hóa Đông Tây, thấm đẫm một tư tưởng nhân văn cao cả, một tâm hồn thuần hậu Việt.
Tên nước - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - mãi mãi là một sự lựa chọn của một tầm nhìn xa trông rộng tuyệt vời, sự thức thời mang tính linh ứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời căn dặn trước lúc ra đi của Người mãi mãi là nóng hổi, thiết thực, là sự cảnh báo sáng suốt: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Sự thông tuệ và tầm vóc lãnh tụ ấy cùng với tâm hồn và nhân cách sống trong con người Hồ Chí Minh đã có sức lan toả và thuyết phục lớn lao như một cái nhân đầy hấp lực, lôi cuốn mạnh mẽ hàng triệu triệu con người tự nguyện xả thân, tự nguyện đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng chông gai và gian khổ, hoàn thành sứ mệnh lớn lao - giải phóng và thống nhất đất nước. Đây là lẽ tất nhiên của cuộc sống.
Yếu tố đó lý giải tại sao năm xưa, trong thời khắc nền độc lập còn mong manh trứng nước, vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, vẫn có hàng ngàn lớp lớp người sẵn sàng hy sinh tất cả.
Họ sẵn sàng hiến dâng vì hướng đạo cho cả một dân tộc là một lãnh tụ, một người cha tinh thần như thế, và phía sau đó, có cả một thế hệ tài ba với cái tâm trong sáng, được tôi luyện trong những thử thách khắc nghiệt, đầy thăng trầm của đất nước, được tôi luyện ngay trong gian khổ lao tù.
Quả là may mắn, ngay khi giành độc lập, đất nước đã có được nền chính trị lành mạnh. Thời đó không có đất nẩy nở một nền “chính trị đồng tiền” (một khái niệm mới nhất nói về tình trạng mua quan bán tước phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á hiện nay) làm xói mòn niềm tin và sức mạnh của dân tộc. Ngăn chặn và hạn chế cái nguy hại của xu hướng “chính trị đồng tiền”, xây dựng và bồi đắp một nền “chính trị trong sạch” như Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người năm xưa đã đạt được luôn luôn là bài học mà hậu thế phải vươn tới.
Vì vậy mới có những “Tuần lễ vàng”, bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình, dòng họ dốc cả gia tài tích cóp suốt một đời để góp phần chống “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”.
Một góc Hà Nội hôm nay - Ảnh: vietnam.vnanet.vn
Có những thanh niên Hà Nội tuổi đời mười tám đôi mươi quên thân mình, ôm bom ba càng lao vào xe tăng quân xâm lược.
Bao nhiêu nhà trí thức lớn như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên. Ngụy Như Kon Tum v.v….quyết tâm đi theo chính phủ kháng chiến, mang tri thức và tấm lòng yêu nước phục vụ Tổ quốc và nhân dân.
Bao nhiêu văn nghệ sĩ lớn như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Tô Ngọc Vân, Diệp Minh Châu v v…và…vv… giã từ cuộc sống phồn hoa thành phố quyết “ra đi đầu không ngoảnh lại” để vào bưng biền, lên chiến khu theo đoàn quân “Tây tiến”, đem tiếng đàn tiếng hát, câu thơ…cổ vũ bộ đội vượt qua gian nguy, giành chiến thắng để “lớp lớp đoàn quân tiến về” Hà Nội…
Đất nước mãi tự hào về một lớp trí thức tuyệt vời cả tài năng và nhân cách lớn như Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ… Những người để lại phía sau nền văn minh Tây Âu và phòng thí nghiệm hiện đại, từ bỏ tiền đồ và danh vọng khoa học rộng lớn, lặn lội về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến cùng dân tộc. Họ đã hành động như vậy theo tiếng gọi yêu nước và cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quả như cổ nhân đã nói: Gieo nhân nào gặt quả đó. Lẽ tất nhiên cuộc sống muôn đời là vậy
Sự nghiệp dựng nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh là một chương hùng tráng và bi tráng nhất trong pho sử Việt Nam, thế kỷ 20, và Hồ Chí Minh là nhân vật trung tâm của pho sử đó.
Nước mắt của đất trời, và của hàng triệu con người Việt Nam đã rơi khi người con vĩ đại của dân tộc đã ra đi mãi mãi. Nhưng “muôn vàn tình thương yêu" của Người vẫn trùm lên khắp quê hương. Cũng như “muôn vàn tình thương yêu" của quê hương vẫn giành cho Người.
Quảng trường Ba Đình vẫn rộng lớn, nối liền với Hoàng thành Thăng Long kỳ vĩ vừa được phát lộ. Ngôi mộ nhà sáng lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trầm mặc uy nghi. Nhưng bản Di chúc của Người vẫn mãi tươi nguyên, như nhắc nhở hậu thế phải sống xứng đáng, không làm điều hổ thẹn với các bậc tiền nhân, với Tổ tiên dòng giống Lạc Hồng. Để Hoàng thành Thăng Long và Quảng trường Ba Đình vẫn là nơi chảy về, cả đức tin và sự dâng hiến của triệu triệu con tim Việt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét